Lần đầu tiên, Việt Nam chính thức công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) – một công cụ toàn diện nhằm đo lường mức độ triển khai và khai thác các FTA tại từng địa phương. Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, các FTA không chỉ là “tấm hộ chiếu” giúp hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế mà còn là nền tảng then chốt để kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Lễ công bố FTA Index của các địa phương năm 2024.
“Hội nhập không chỉ là “hoa hồng và thảm đỏ”, hội nhập có rất nhiều chông gai, hội nhập có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, phải bắt kịp tiến cùng rồi phải vượt lên. Hội nhập nhưng mà lại vẫn phải độc lập, vẫn phải tự chủ. Hội nhập nhưng mà không ỷ lại, không phụ thuộc vào bất cứ một đối tác nào, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận phải hội nhập bằng mọi cách. Hội nhập phải phụ thuộc là không dứt khoát, không chúng ta phải đứng lên từ cái bàn tay, khối ốc, khung trời, cửa biển và mảnh đất của mình bằng cái giá trị cốt lõi của con người Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu lại buổi lễ.
Sự kiện công bố Bộ chỉ số FTA Index 2024 diễn ra trong tuần qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam. Thay vì chỉ đánh giá tổng thể ở cấp Trung ương, FTA Index giúp so sánh mức độ thực thi giữa các địa phương – nơi trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và triển khai chính sách hội nhập. Đây là căn cứ quan trọng để nhìn nhận rõ hơn đâu là điểm mạnh, điểm yếu trong công tác tận dụng FTA tại từng tỉnh, thành phố.
Ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, việc công bố chỉ số này mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.
“Việt Nam gửi đi thông điệp kiên định hội nhập sâu rộng, không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế”, ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết ý nghĩa của việc công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi Hiệp định thương mại tự do.
Theo ông Khanh, chỉ số còn là lời nhắc nhở rằng các địa phương phải chủ động vào cuộc, bởi cơ hội từ các hiệp định chỉ thực sự phát huy khi được chuyển hóa thành hành động thực tiễn, chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận: FTA Index giúp đo lường mức độ thực thi và hưởng lợi từ các FTA ở cấp địa phương, từ đó tạo động lực đổi mới, đặc biệt trong khâu hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nếu chúng ta chỉ dừng ở ký kết hiệp định mà không triển khai hiệu quả thì lợi ích sẽ không đến được với doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn cảnh báo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ về
Trường hợp tỉnh Cà Mau là minh chứng điển hình. Địa phương này đứng đầu bảng xếp hạng FTA Index 2024 nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của lãnh đạo tỉnh và tinh thần chủ động của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, đồng thời thường xuyên lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách kịp thời.

Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm số FTA Index.
Tuy nhiên, theo thống kê, điểm trung bình của 62 tỉnh, thành chỉ đạt 26,2/100 điểm, trong khi tỉnh có điểm số thấp nhất là 14,49 điểm, một con số cho thấy dư địa rất lớn để cải thiện.
“Nguyên nhân không chỉ đến từ quy mô kinh tế khác nhau mà còn do mức độ quan tâm của lãnh đạo và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng đều”, ông Khanh chỉ rõ.
“Doanh nghiệp, nhất là khối vừa và nhỏ, phần lớn chưa am hiểu về các cam kết FTA, trong khi công tác tuyên truyền, hướng dẫn vẫn còn hình thức. Từ thực tế này, cần tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng và các thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương”, ông Tuấn nhận định.
Theo ông Ngô Trung Khanh, ba lực cản lớn nhất chính là sức cạnh tranh của hàng hóa, khả năng hấp thụ lợi ích từ FTA và yêu cầu về hoàn thiện thể chế pháp lý để thực thi các cam kết thế hệ mới như phát triển bền vững, lao động, môi trường…
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khi cạnh tranh ngay trên sân nhà nếu thủ tục hành chính chưa thực sự cạnh tranh.
“Muốn doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thể chế phải đóng vai trò là bệ đỡ. Nếu chính sách vẫn còn là điểm nghẽn, thì những cơ hội mà các FTA mang lại sẽ khó được khai thác hiệu quả,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn lời Tổng Bí thư với kỳ vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam phải vươn lên nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN
FTA Index được xem là bước đầu giúp nhận diện điểm mạnh, điểm yếu trong thực thi hội nhập. Tuy nhiên, theo ông Khanh, cần tiếp tục 4 việc: tăng cường nhận thức và tuyên truyền về FTA; xây dựng kế hoạch hành động chi tiết; có các giải pháp hỗ trợ chuyên sâu; và cuối cùng là kết nối các mắt xích trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu từ nông dân, doanh nghiệp đến ngân hàng, logistics và chính quyền.
Ông Tuấn cũng cho biết: “Chúng ta có nhiều thị trường tiềm năng đã mở cửa nhưng chưa được khai thác đúng mức như Mexico, Canada, Chile… Cần tách bạch rõ tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân để có chính sách phù hợp hơn”.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là tiêu chí bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, hàng hóa Việt Nam đã hiện diện tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ nhờ các FTA. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, gần gấp đôi GDP, là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế.
Kể từ khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên cách đây hơn 30 năm, Việt Nam đã không ngừng mở rộng cánh cửa bước vào các thị trường tiềm năng trên toàn cầu. Những nỗ lực hội nhập sâu rộng ấy đã mang lại kết quả rõ nét: hàng hóa “Made in Vietnam” ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường lớn, khó tính và có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn, những “cơn gió ngược” từ suy thoái, xung đột địa chính trị hay chính sách bảo hộ có thể tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, việc tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và chủ động mở rộng thêm các hiệp định với các khu vực, đối tác mới là hướng đi chiến lược. Đây không chỉ là giải pháp để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, mà còn là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thị trường giàu tiềm năng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: VTV