Ảnh minh họa.
Giá dầu thế giới đã giảm 2% xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm vào phiên 7/4, do lo ngại các chính sách thuế quan thương mại mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy các nền kinh tế trên thế giới vào suy thoái và làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,37 USD (2,1%) xuống 64,21 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,29 USD (2,1%) xuống 60,70 USD/thùng. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, sau khi đã giảm khoảng 11% vào tuần trước.
Phiên giao dịch này đã ghi nhận sự biến động mạnh khi giá trong ngày có lúc giảm hơn 3 USD/thùng, nhưng sau đó lại tăng hơn 1 USD/thùng vào sáng 7/4 sau khi có thông tin cho rằng ông Trump đang xem xét tạm dừng áp thuế 90 ngày. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này, khiến giá dầu thô quay đầu giảm.
Citi Research, bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Citi, vừa hạ dự báo giá dầu Brent kỳ hạn 0-3 tháng xuống còn 60 USD/thùng. Ngân hàng này cũng giảm dự báo giá đồng và nhôm kỳ hạn 0-3 tháng xuống lần lượt 8.000 USD/tấn và 2.200 USD/tấn do những thông báo mới nhất về thuế quan của Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia khác, trong đó có cả một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10/4.
Citi nhận định việc áp thuế quan được dự báo sẽ khiến giá hàng hóa giảm mạnh, thậm chí là giảm gấp đôi so với dự đoán. Nguyên nhân là do trước khi thuế quan có hiệu lực, các doanh nghiệp đã tranh thủ mua và dự trữ một lượng lớn hàng hóa để tránh bị ảnh hưởng bởi mức giá cao hơn. Hành động này đã khiến thị trường hàng hóa trở nên khan hiếm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, khi thuế quan được áp dụng, hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống. Đồng thời, lượng hàng hóa được dự trữ trước đó sẽ được tung ra thị trường, khiến nguồn cung tăng lên. Chính sự kết hợp giữa nhu cầu giảm và nguồn cung tăng này sẽ tạo nên áp lực giảm giá rất mạnh lên hàng hóa.
Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, mới đây đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng. Nhóm này hiện đặt mục tiêu đưa thêm 411.000 thùng/ngày ra thị trường vào tháng 5/2025, tăng so với kế hoạch 135.000 thùng/ngày trước đó.
Trong cuộc họp cuối tuần, các bộ trưởng OPEC+ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ đầy đủ các mục tiêu sản lượng dầu và yêu cầu các quốc gia sản xuất vượt mức phải đệ trình kế hoạch bù đắp sản lượng trước ngày 15/4.
Nguồn: VTV