Ảnh minh họa.
Đóng cửa, cả hai mặt hàng dầu đều ở mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3. Trong đó, giá dầu Brent tăng 1,51% lên 74,74 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 3,06% lên 71,48 USD/thùng. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá dầu WTI kể từ đầu năm nay.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hai tuyên bố quan trọng nhắm vào Nga và Iran, hai trong số các nguồn cung dầu lớn nhất thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News, ông Trump bày tỏ không hài lòng với những chỉ trích của Tổng thống Nga Putin nhắm vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và cảnh báo có thể áp thuế suất thứ cấp từ 25% đến 50% lên các quốc gia nhập khẩu dầu từ quốc gia này.
Động thái này nhằm gây sức ép nếu Moskva bị cho là cản trở nỗ lực của Washington trong việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định mối quan hệ “tốt đẹp” giữa hai nhà lãnh đạo và lạc quan về tiến trình hòa bình tại Ukraine, điều phía Điện Kremlin cũng đồng tình.
Về phía Iran, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh lập trường cứng rắn, cảnh báo các biện pháp mạnh tay hơn nếu hai nước không đi đến được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Thậm chí, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ sử dụng vũ lực – điều có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông vốn đang bất ổn với các điểm nóng như dải Gaza và Yemen.
Bên cạnh đó, hai yếu tố khác cũng đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây là sự gia tăng nhu cầu tại Trung Quốc và sự sụt giảm sản lượng dầu thô tại Mỹ. Theo báo cáo ngày 30/3 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc vượt kỳ vọng, cho thấy nhu cầu năng lượng tại quốc gia này đang phục hồi mạnh mẽ.
Sản lượng dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng
Cũng liên quan tới thị trường dầu mỏ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố, sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 1/2025 đã giảm 305.000 thùng/ngày xuống 13,15 triệu thùng/ngày – mức thấp nhất trong hơn một năm. Cơ quan này cũng hạ ước tính sản lượng tháng 12 xuống còn 13,45 triệu thùng/ngày (giảm khoảng 40.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó).
Tại Texas, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, sản lượng đã giảm 105.000 thùng/ngày xuống còn 5,58 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm lớn nhất trong 15 tháng. Trong khi đó, tại New Mexico, bang sản xuất dầu lớn thứ hai, sản lượng giảm 53.000 thùng/ngày xuống 2,06 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong bảy tháng qua.
Mặc dù trong xu hướng giảm sản lượng, nhưng EIA báo cáo rằng Mỹ đã lập kỷ lục sản xuất dầu thô trong năm 2023 với mức trung bình 12,9 triệu thùng/ngày, vượt kỷ lục toàn cầu và vượt kỷ lục trước đó của nước này là 12,3 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019. Hiện chưa có quốc gia nào đạt sản lượng 13 triệu thùng/ngày, và mới đây Saudi Arabia đã rút lại kế hoạch tăng sản lượng lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Vào năm 2023, Mỹ, Nga và Saudi Arabia cùng chiếm 40% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, đạt tổng cộng 32,8 triệu thùng/ngày, theo EIA.
Chuyên gia Michael Kern của trang web tin tức về thị trường năng lượng Oilprice.com lưu ý rằng dữ liệu dầu thô trên thực tế thường bị lấn át bởi các tuyên bố của Mỹ, vốn là yếu tố chi phối thị trường lớn nhất trong tháng này.
Nguồn: VTV