Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 10 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 117-120 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so chốt phiên ngày hôm qua.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 116,5 – 119,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên ngày hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng nhẫn 114 – 117 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên ngày hôm qua.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 114 – 117 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và và tăng 3,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so chốt phiên ngày hôm qua.
Sáng nay, giá vàng tiếp đà tăng lên mốc 120 triệu đồng/lượng.
Những ngày qua, giá vàng trong nước đã biến động liên tục, liên tiếp lập đỉnh. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu – mức tăng “chưa từng có tiền lệ” này là hệ quả trực tiếp từ những biến động dữ dội trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh tác động từ giá vàng thế giới, thị trường trong nước còn chịu ảnh hưởng lớn bởi sự mất cân đối cung – cầu. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nguồn vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu, trong khi vàng nhẫn – dòng sản phẩm phổ biến với người dân – cũng rơi vào tình trạng tương tự.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung đã tạo áp lực lớn khiến giá trong nước tăng nhanh và mạnh hơn so với quốc tế. Thị trường hiện thiếu các biện pháp điều tiết hiệu quả để đảm bảo nguồn cung ổn định trong ngắn hạn.
Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước tăng liên tục, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, giá vàng đang hưởng lợi do yếu tố lo ngại về thuế quan của Mỹ với các nước. Hiện thị trường đang nhìn theo động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả phía Trung Quốc.
Một yếu tố khác đang tiếp thêm động lực cho giá vàng là sự suy yếu của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt. Khi USD mất giá, vàng vốn được định giá bằng đồng bạc xanh lại trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Bởi lẽ, trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận khoảng 30% là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Hoặc nếu muốn mua vàng lúc này cũng cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo giá vàng sẽ không tăng mãi hoặc giảm mãi mà luôn có điều chỉnh bất ngờ. “Nếu nhà đầu tư xác định mua vàng tích lũy, tiết kiệm lâu dài, không quan tâm tới đầu cơ thì luôn có thể xuống tiền. Vàng hiện tại không phải kênh phù hợp để lướt sóng ngắn hạn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ

Trên thi trường thế giới, sáng 18/4, giá vàng thế giới giảm 12 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua, về ngưỡng 3.327 USD/ounce. Giá vàng giảm nhẹ do áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sau khi giá vàng đạt đỉnh. Tuy nhiên, đà giảm của kim loại quý này được hạn chế bởi sự suy yếu của đồng USD cùng căng thẳng thương mại.
Theo các chuyên gia phân tích, hướng đi của vàng bị đảo ngược một phần là do hoạt động chốt lời trên thị trường.
Dự báo giá vàng thời gian tới, ngân hàng ANZ mới đây đã nâng dự báo giá vàng lên 3.500 USD/ounce trong 6 tháng tới và 3.600 USD vào cuối năm, cho rằng làn sóng mua vàng trú ẩn vẫn còn dư địa để tăng mạnh. Thậm chí các nhà phân tích tại Goldman Sachs kỳ vọng giá vàng cuối năm nay lên 3.700 USD/ounce. Giữa năm tới, giá có thể lên 4.000 USD.
Nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo và khả năng trú ẩn của vàng trước nguy cơ suy thoái và rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục kéo giá lên cao năm nay.
Nguồn: VTV