Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ ngày 31/3. Đây là nội dung nằm trong Nghị định 73/2025, sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi được Chính phủ ban hành. Một trong những nhóm được hưởng chính sách này là gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Việt Nam hiện đang áp mức thuế từ 15 – 25% với các mặt hàng này nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hàng hoá của chúng ta lại đang được hưởng mức thuế suất 0% ở thị trường Mỹ. Nghĩa là có sự chênh lệch giữa 2 bên, thuế nhập khẩu của Việt Nam cao hơn. Trước chính sách giảm thuế nhập khẩu với nhóm hàng này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bày tỏ sự vui mừng.
Gỗ nguyên liệu khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Nhưng với những sản phẩm từ gỗ như bộ bàn ghế, lại phải chịu thuế nhập khẩu 15 – 25%. Tuy nhiên, theo nghị định mới của Chính phủ thì kể cả những sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc cũng được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Ví dụ như chiếc bàn nhập khẩu từ Hoa Kỳ, có giá 10 triệu đồng, sau khi giảm thuế, chỉ còn khoảng 8 triệu đồng.
Việt Nam là nhà cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất cho Mỹ, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này là 9,1 tỷ USD. Trong suốt thời gian qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng, có đi có lại với tất cả hàng hoá của các quốc gia, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt cũng đã lo ngại khi mức thuế nhập khẩu của Việt Nam cao hơn. Chính sách mới của Chính phủ giúp các doanh nghiệp an tâm hơn nhiều.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay: “Quyết định của Chính phủ là sự động viên rất lớn và chúng tôi cũng rất kỳ vọng phía Mỹ sẽ xem xét một cách công bằng, minh bạch, thoả đáng, không áp thuế đối ứng vào các sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ”.
Các chuyên gia nhấn mạnh, những mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu là những mặt hàng thiết yếu như ô tô, thực phẩm. Thuế giảm, giá bán hàng hoá giảm theo, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết: “Nhu cầu của người dân đối với hàng thiết yếu này còn tiếp tục tăng lên. Đặc biệt khi kinh tế của chúng ta tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng trưởng lên, tăng tiêu dùng thì cũng có thể tăng nguồn thu từ thuế VAT và các nguồn thu từ thuế khác và quay trở lại nó lại tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực với các doanh nghiệp Việt là không quá lớn vì một số mặt hàng vốn chúng ta cũng đang nhập khẩu, không sản xuất được ở trong nước. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nhập khẩu ở thị trường khác cũng đang được áp dụng mức thuế thấp hơn.
“Riêng với ô tô, chúng ta đã nhập từ ASEAN, được hưởng thuế suất 0% từ 2018. Như vậy chỉ ảnh hưởng với các nước chưa thuộc diện hưởng FTA, nên tác động không quá nhiều. Các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng với sự cạnh tranh từ lâu và đã lường trước được hàng hóa nhập khẩu nên doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị”, TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính chia sẻ.
Trước nay, thuế nhập khẩu cao là một giải pháp để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu như hiện nay, việc chủ động giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cũng là động thái rất kịp thời của Chính phủ, đảm bảo mức thuế quan hài hoà, đối xử công bằng giữa các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Nguồn: VTV