Từ ngày hôm qua, nhiều mặt hàng nhập khẩu như ô tô, gỗ, ethanol, thực phẩm và nhiên liệu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới theo Nghị định 73 của Chính phủ.
Việc điều chỉnh chủ động và kịp thời này nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tác thương mại và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Năm trước, doanh nghiệp nhập khẩu trên 150 tấn ngô và trên 61 tấn khô đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với Nghị định 73, ngô hạt đã giảm thuế nhập khẩu từ 2% xuống 0%, khô đậu tương giảm xuống 0% sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp giảm.
Bà Nguyễn Thị Dịu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ABC Việt Nam cho biết: “Rất thiết thực và kịp thời trong thời điểm này. Ngành chăn nuôi Việt Nam đang rất khó khăn. Với việc điều chỉnh này giúp cho giá thành sản xuất đầu vào của ngành chăn nuôi sẽ được giảm”.
Ông Vũ Anh Xuân – Đội trưởng Hải quan Hưng Yên, Chi cục Hải quan khu vực IV, Cục Hải quan chia sẻ: “Chúng tôi đã kịp thời cập nhật thông tin và truyền tải thông tin sửa đổi bổ sung của Chính phủ đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
Việc điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo mức thuế suất hợp lý giữa các đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi lần này chủ yếu tập trung vào ba nhóm hàng chính là ô tô, nguyên liệu đầu vào của một số lĩnh vực sản xuất và một số mặt hàng liên quan đến nông nghiệp. Đây là những mặt hàng thiết yếu đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều năm trước và tỷ lệ hàng hóa được giảm thuế nhập khẩu khá cân bằng.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: “Khi kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng trưởng lên, người dân sẽ có niềm tin để tăng tiêu dùng. Như vậy tác động không đáng kể”.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, việc điều chỉnh chính sách này được xây dựng nhằm đảm bảo mức thuế suất hợp lý giữa các đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam.
TS. Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính nêu ý kiến: “Với những quốc gia đang thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi, nó sẽ giúp cán cân thương mại giữa Việt Nam và nước đó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia”.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ: “Quyết định của Chính phủ là sự động viên rất lớn và chúng tôi rất kỳ vọng phía Hoa Kỳ sẽ xem xét một cách công bằng, minh bạch và thoả đáng để không áp thuế đối ứng vào các sản phẩm gỗ”.
Việc điều chỉnh thuế suất lần này thể hiện sự linh hoạt và kịp thời trong điều hành để chủ động với các diễn biến kinh tế thế giới có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp bảo vệ sản xuất nội địa trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là bảo vệ nông dân trong nước trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Nguồn: VTV