Kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức, khi các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra nhiều bất ổn cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không có khả năng sẽ gây ra một cuộc suy thoái trong ngắn hạn. Đó là nhận định vừa được Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra.
Kể từ đầu năm tới nay, việc Chính phủ Mỹ thúc đẩy áp thuế quan rộng rãi đang tạo ra nhiều bất ổn trong thương mại và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới từ 20 lên 35%.
Tuy nhiên, theo IMF, các mức thuế quan mà Washington đã triển khai hiện vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể. Điều đáng lo ngại hơn là nhiều nền kinh tế hiện không còn đủ dư địa chính sách để ứng phó với các cú sốc tiếp theo.
Bà Kristalina Georgieva – Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Chúng tôi không thấy nguy cơ suy thoái kinh tế hay đình lạm đang đến gần. Nhưng tôi muốn gửi đi một cảnh báo. Điều chúng ta cần lo lắng là khả năng hấp thụ thêm bất kỳ cú sốc nào khác của các nền kinh tế. Trước đại dịch Covid-19, các quốc gia có không gian tài khóa dồi dào. Rất nhiều nước có không gian chính sách tiền tệ. Tất cả những điều này giờ đã biến mất. Phần lớn các quốc gia có mức nợ cao”.
Hồi tháng 1, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 3,2% lên 3,3%. Dự báo này có thể được điều chỉnh giảm nhẹ trong bản cập nhật vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, rủi ro có thể gia tăng hơn nữa do sự không chắc chắn trong cách tiếp cận của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề thuế quan.
Bà Kristalina Georgieva – Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Cần có sự rõ ràng càng sớm càng tốt, bởi nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự không chắc chắn càng kéo dài, sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Các quốc gia từng có ý định cải cách cơ cấu, cải cách thúc đẩy tăng trưởng, nhưng còn chậm trễ triển khai, cũng cần phải xốc lại quá trình này, để thúc đẩy nền kinh tế của mình”.
Với các nền kinh tế lớn, Tổng giám đốc IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm đôi chút do diễn biến thương mại, nhưng triển vọng chung vẫn ổn. Kinh tế châu Âu có thể được cải thiện nhờ vào các biện pháp chi tiêu mạnh tay hơn, trong khi Trung Quốc sẽ cần tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa cải cách thị trường và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Nguồn: VTV