Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến mốc 2/4, ngày mà được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố là “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ – một bước ngoặt mà ông khẳng định sẽ giúp Hoa Kỳ lấy lại sự giàu có và công bằng trong quan hệ thương mại với các nước khác.
Nếu ở thời điểm cách đây khoảng một tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lộ trình áp dụng thuế quan đối ứng, nghĩa là thuế “có đi có lại” với mọi quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ, thì nay câu chuyện đã khác. Phạm vi đợt áp thuế này có thể bị thu hẹp.
Thậm chí, theo báo cáo của Bloomberg và Thời báo phố Wall, một số nhóm ngành còn có thể được cân nhắc miễn thuế đối ứng, vì đều là các ngành rất quan trọng với kinh tế Mỹ.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump thể hiện quyết tâm tái cân bằng thương mại bằng cách áp thuế nhập khẩu đối với các quốc gia có hàng rào thuế và phi thuế cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu: “Nếu họ không sản xuất hàng ở Mỹ, họ sẽ phải trả thuế. Nhưng nếu họ làm ra sản phẩm ở đây, họ không phải trả đồng nào. Tất cả điều này sẽ mang hàng nghìn tỷ USD về ngân khố của chúng ta”.
Tổng thống Trump vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu cân bằng thâm hụt thương mại hơn 1.200 tỷ USD – Ảnh: AFP
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo một loạt tác động lan tỏa.
Ông Gary Hufbauer – Chuyên gia kinh tế, Viện Peterson cho biết: “Ông Trump thích tạo ra kịch tính và ngày 2/4 sẽ rất kịch tính. Thị trường tài chính sẽ theo dõi sát sao, vì những ngành bị ảnh hưởng sẽ tác động đến giá trị cổ phiếu, tỷ giá và toàn bộ chuỗi cung ứng”.
Ba lĩnh vực được đánh giá là nhạy cảm gồm: ô tô, dược phẩm và bán dẫn. Với ngành ô tô, ông Trump đã buộc phải lùi kế hoạch áp thuế sau khi các hãng lớn yêu cầu miễn trừ do chuỗi cung ứng gắn chặt với Canada và Mexico.
Ông Gary Hufbauer – Chuyên gia kinh tế, Viện Peterson nêu ý kiến: “Sự gắn kết chuỗi cung ứng giữa Mỹ, Canada và Mexico là quá cao – nếu đánh thuế, sẽ gây thiệt hại cả chuỗi”.
Với dược phẩm và chip bán dẫn, báo cáo của Bloomberg và thời báo phố Wall dự đoán ông Trump cũng có thể phải nhượng bộ. Mỹ phụ thuộc nhiều vào dược phẩm và linh kiện nhập khẩu – không dễ thay thế trong ngắn hạn.
Ông Gary Hufbauer – Chuyên gia kinh tế, Viện Peterson chia sẻ: “Chúng ta cần dược phẩm trong cuộc sống và chip bán dẫn cho tất cả mọi thứ, từ xe hơi đến tủ lạnh. Việc áp thuế lên những mặt hàng này có thể gây khủng hoảng sản xuất”.
Một loại hàng hoá đáng chú ý khác là đồng – một nguyên liệu thô quan trọng.
Ông Gary Hufbauer – Chuyên gia kinh tế, Viện Peterson cho biết thêm: “Khoảng 50% đồng mà Mỹ dùng là nhập khẩu. Khai thác trong nước chậm và gây ô nhiễm – tăng thuế chỉ khiến toàn bộ chuỗi công nghiệp tăng chi phí”.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu cân bằng thâm hụt thương mại hơn 1.200 tỷ USD. Phía Nhà Trắng cho biết danh sách “thuế đối ứng” có thể tập trung vào nhóm 10 -15 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất. Theo chuyên gia Hufbauer, tiến trình áp dụng có thể mất hàng tháng, với nhiều thương lượng song phương giữa các doanh nghiệp và Chính phủ. Tháng 4 đang đến gần và cùng với nó là một phép thử mới cho thương mại toàn cầu và chính sách của Tổng thống Trump.
Nguồn: VTV