Đây là nghịch lý cần những biện pháp hữu hiệu để thay đổi trước những bước ngoặt lớn của đất nước.
Hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cứ “dậm chân tại chỗ”
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là khu vực “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, nếu 1/5 số hộ này chuyển thành doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp năm 2030, thông qua đó sẽ nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế đang có con số phát triển nhanh hàng đầu Đông Nam Á.
Theo thống kê, với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Về phía nhà chuyên môn, theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, một trong những lý do khiến hộ kinh doanh không muốn “lớn” là mức thuế suất chênh lệch cao. Hiện nay, có 3 loại thuế, phí các hộ, cá nhân kinh doanh phải đóng gồm lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân. Ngoài ra, còn phải nộp thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên… tùy từng trường hợp: “Cụ thể, theo quy định, mức lệ phí môn bài từ 300.000 đồng – 1 triệu đồng tùy doanh thu, với hộ có thu trên 100 triệu/năm. Hộ kinh doanh phải nộp thêm 1,5%, gồm 0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% VAT. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Con số quá chênh lệch là rào cản khiến hộ kinh doanh không muốn lớn”.
Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), hiện trên 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Việc hộ kinh doanh có doanh thu lớn tương đương doanh nghiệp, nhưng không chịu thành lập doanh nghiệp để hưởng mức thuế chưa đến 1/10 là chưa bình đẳng. Hơn thế nữa, nghiên cứu “Xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh” của Công ty Economica Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi hộ kinh doanh đóng thuế 2,7 triệu đồng mỗi năm. Khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, chi phí tuân thủ trung bình lên tới 180-200 triệu đồng mỗi năm. Mức này tăng 7 lần bởi mô hình doanh nghiệp yêu cầu đủ “ban bệ” gồm Giám đốc, kế toán, ban kiểm soát, trụ sở kinh doanh.
Hầu hết hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp
Theo khảo sát của Economica Việt Nam đối với các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cho thấy: 60% cho biết họ phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật, thủ tục hành chính và chế độ kế toán phức tạp sau khi đăng ký thành doanh nghiệp; 22% phản ánh rằng họ phải đóng thêm nhiều loại thuế và không còn được áp dụng hình thức thỏa thuận thuế như hộ kinh doanh; và 38% không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc chuyển đổi, các quy định pháp luật hiện hành đang là gánh nặng, khiến họ không muốn chuyển thành doanh nghiệp chính thức.
Giải quyết nghịch lý như thế nào?
Thống kê cho thấy, trong 5,2 triệu hộ kinh doanh, có tới hơn 3 triệu hộ chưa đăng ký và chủ yếu nộp thuế khoán. Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cơ chế thuế khoán nhanh và gọn, nhưng không minh bạch, dễ dẫn đến thất thu ngân sách và tạo ra cơ chế “xin – cho”. Do đó, cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, liên kết và sức cạnh tranh yếu, chuyển sang mô hình doanh nghiệp sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh. Đồng thời, nước ta đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp năm 2030 để tăng trưởng kinh tế bứt phá.
Bình quân, cứ gần 20 người dân thì có một hộ kinh doanh. Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mô hình hộ kinh doanh đối với người dân Việt Nam.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, nước ta nên miễn thuế thu nhập trong 3 – 5 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ, để nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục thành lập và có hỗ trợ về kế toán, quản lý. “Việt Nam cũng cần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nhũng nhiễu trong quản lý hành chính và sớm ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…”, ông Lực nói thêm.
Về vấn đề này, theo TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam khuyến nghị một loại hình doanh nghiệp gọn nhẹ cho hộ kinh doanh chuyển đổi, cùng với các quy định quản trị, kế toán, báo cáo tài chính đơn giản. Loại hình này có thể cải cách từ “doanh nghiệp tư nhân” quy định trong Luật Doanh nghiệp, nhưng cần “bình dân hóa” để phù hợp với đa số hộ kinh doanh cá thể. “Các quy định về thuế, kế toán với đơn vị chuyển đổi cần đơn giản hóa, hướng đến cả hộ có trình độ quản lý không cao. Khi thấy cơ hội, họ sẽ chuyển đổi”, ông Bình phân tích.
Hơn thế nữa, theo TS. Mạc Quốc Anh – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, bên cạnh cơ chế linh hoạt, thông thoáng, thì khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các hộ kinh doanh nói riêng cũng mong muốn được tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai; được hưởng chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo./.
Nguồn: VTV