Kinh tế Việt Nam, khởi đầu năm nay với tín hiệu tích cực khi tăng trưởng GDP quý I đạt gần 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây và vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Theo đó, ba khu vực kinh tế chủ lực, gồm nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, đều tăng trưởng; đặc biệt, dịch vụ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng mạnh nhất. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 3 tỷ USD, góp phần củng cố đà phục hồi và phát triển kinh tế ngay từ đầu năm.
Dịch vụ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng mạnh nhất.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, mặc dù con số tăng trưởng 6,93% chưa đạt kỳ vọng theo kịch bản đề ra, nhưng đây là mức tăng rất tích cực.
“Trong nhiều năm qua, chỉ có năm 2018 là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt trên 7%, còn lại không năm nào đạt 6,8%. Do đó, nếu duy trì đà tăng như hiện nay và không gặp những biến động bất thường, khả năng đạt mục tiêu 8% cả năm là hoàn toàn có cơ sở”, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chia sẻ về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025.
Về các động lực tăng trưởng trong quý I, ông Cường cho rằng cả cung và cầu đều cho thấy dấu hiệu hồi phục tốt. Khu vực nông nghiệp đạt mức tăng 3,7%, trong khi công nghiệp tăng mạnh tới 7,8%, cao hơn nhiều so với 5,9% cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng 9,5%. Xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, phản ánh nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ suy giảm toàn cầu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%, cao hơn mức 8,6% của cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, du lịch – một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cũng ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức đến từ bên ngoài. Chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo cảnh báo của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 1%. Trong bối cảnh Việt Nam có độ mở kinh tế cao, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, bất kỳ cú sốc nào từ thị trường quốc tế đều có thể tạo ra tác động dây chuyền.

Bước sang quý 2, xuất khẩu được nhận định sẽ chịu tác động trực tiếp từ các rào cản thuế quan và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
“Chúng ta đang theo đuổi phương thức đối thoại, bởi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ không có tính cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, dư địa để đàm phán một mức thuế hài hòa vẫn còn. Nếu không có được chính sách hợp lý, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ là bên chịu thiệt, vì họ vẫn cần những mặt hàng thiết yếu mà Việt Nam cung cấp”, ông Cường nhận định.
Nhìn ở góc độ khác, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đang tạo cho Việt Nam một thế và lực đặc biệt, khi là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Dù chính sách thuế của Mỹ có thể khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhưng Việt Nam lại có lợi thế trong việc thu hút các ngành công nghệ cao, sản xuất có giá trị gia tăng.
“Đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thoát khỏi mô hình gia công giá rẻ, chuyển sang tạo chuỗi sản xuất hoàn chỉnh với năng suất và giá trị cao hơn”, ông Cường nói.
Trong bối cảnh Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng các quý tới lần lượt là 8,3% và 8,4%, các động lực tăng trưởng không thể chỉ dựa vào xuất khẩu. Theo ông Cường, cần phát huy sức mạnh nội tại, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng cách vừa hỗ trợ về chính sách thuế, vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công.
Kích cầu tiêu dùng trong nước không chỉ là kích cầu hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà cần hướng tới lĩnh vực đầu tư cá nhân như nhà ở cho người thu nhập thấp, bất động sản thiết yếu, từ đó tạo lan tỏa sang nhiều ngành nghề khác.

Trong cái bối cảnh hiện nay, Việt Nam còn các trụ đỡ khác với nhiều dư địa phát triển trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Về tài khóa, ông Cường cho biết dư địa còn nhiều do nợ công đang ở mức thấp. Tuy nhiên, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực vay thêm để đầu tư phát triển, không chi cho thường xuyên.
“Chúng ta nên mở rộng các phương thức đầu tư mới như đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân, vừa giải ngân nhanh vừa kích thích sản xuất lan tỏa,” ông Cường đề xuất.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chỉ đạo điều hành của Chính phủ là sự nhanh nhạy, kịp thời trong bối cảnh biến động. Đặc biệt là những quyết sách như đàm phán về chính sách thuế với Mỹ hay việc triển khai đồng loạt 50 dự án trọng điểm để kỷ niệm 50 năm giải phóng đất nước, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là cú hích cho tăng trưởng nội lực.
“Việt Nam đang có một định hướng rõ ràng: phục hồi và phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân – trụ cột của nền kinh tế. Với tầm nhìn dài hạn, đúng hướng và sự điều hành kịp thời, linh hoạt từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội, vươn lên trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất định”, ông Cường nhấn mạnh.

Chính phủ đang đặt nhiều nỗ lực vào việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần không hoảng hốt, không hoang mang hay lo sợ, mà cần giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, xử lý tình huống bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Phải nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể cho cả trước mắt và lâu dài, thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm, coi đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nỗ lực vươn lên, tái cơ cấu lại nền kinh tế thị trường sản xuất và xuất khẩu một cách căn cơ và bền vững hơn.
Nguồn: VTV