Mỹ Và Trung Quốc đạt tiến triển trong đàm phán thương mại
Cuối tuần vừa rồi, mọi ánh mắt đều theo dõi sát những diễn biến tại Thuỵ Sĩ. Vì tại Geneva, Thuỵ Sĩ, đã diễn ra cuộc đàm phán thương mại đầu tiên giữa phía Mỹ và Trung Quốc. Cuộc gặp đánh dấu bước đi thăm dò đầu tiên nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang gây xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã bắt đầu cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Geneva, Thụy Sĩ vào đầu ngày 10/5 theo giờ địa phương. Ông Hà và ông Bessent gặp nhau tại Geneva sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng khi thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau đều đã vượt mức 100%.
Theo cập nhật mới nhất cách đây vài giờ, hai phía Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đạt “tiến triển đáng kể” trong đàm phán thuế quan tại Geneva, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Hai bên kết thúc hai ngày đàm phán. Dù chưa công bố chi tiết, ông Greer cho biết đã đạt thỏa thuận sơ bộ và nhấn mạnh mục tiêu giảm thâm hụt thương mại 263 tỷ USD với Trung Quốc. Còn phía Trung Quốc gọi cuộc đối thoại là “thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng”, đồng thời cho biết hai bên sẽ ra tuyên bố chung vào ngày thứ Hai.
Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đạt “tiến triển đáng kể” trong đàm phán thuế quan tại Geneva
Kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đối thoại thương mại cấp cao tại Thụy Sĩ, dư luận quốc tế đang chờ đợi liệu đây có thể là bước đầu tiên để hạ nhiệt căng thẳng kéo dài suốt nhiều năm qua. Trước thềm cuộc gặp, PV Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Hứa Khâm Đạc – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Pangoal, Bắc Kinh – để tìm hiểu phản ứng của Trung Quốc trước các mức thuế mới, ưu tiên mặt hàng nào trong đàm phán tương lai và triển vọng hai quốc gia hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
PV: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn. Trong suốt thời gian qua, phía Trung Quốc đã ứng phó như thế nào trước tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ, thưa ông?
Ông Hứa Khâm Đạc – Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Pangoal, Bắc Kinh: Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tháng 4 giảm 22% do thuế, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại tăng hơn 8%, nhờ thị trường châu Á, châu Âu, châu Phi bù đắp. Riêng châu Á tăng 20%, châu Mỹ Latin tăng 17%. Điều này cho thấy Trung Quốc đang dịch chuyển chiến lược, giảm lệ thuộc vào Mỹ, đa dạng hóa đầu ra. Nếu phía Mỹ không muốn giao thương, Trung Quốc sẽ tái cấu trúc. Điều đó có thể khiến phía Mỹ nhìn nhận thực tế hơn, vì chính các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ đang chịu áp lực nặng nề từ chính sách thuế hiện nay.
* Trong những vòng đàm phán tương lai nếu có, Trung Quốc sẽ ưu tiên bảo vệ những ngành hàng cụ thể nào, thưa ông?
– Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đơn lẻ ưu tiên một ngành nào. Đây là vấn đề tổng thể. Quan hệ thương mại Mỹ – Trung có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Mỹ cần hàng Trung Quốc vì giá cả và chất lượng, còn Trung Quốc cũng coi Mỹ là thị trường quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại nhưng lại từ chối bán các sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc. Do đó, nếu muốn cân bằng lại cán cân thương mại, chính Mỹ cần mở cửa nhiều hơn, thay vì tập trung vào việc phía Trung Quốc mua nông sản hay nhượng bộ đơn phương.
Nguồn: VTV