Thông tin Việt Nam nằm trong 25 nền kinh tế mà Mỹ áp thuế đối ứng cao nhất với mức 46% đang rất được quan tâm, đặc biệt là các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp các ngành hàng xuất khẩu nhiều vào Mỹ. Nhất là các doanh nghiệp thủy sản – ngành phải chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định này.
Việc Mỹ áp mức thuế mới sẽ tác động rất lớn đến các mặt hàng chủ lực như tôm, cá… vốn đang chịu nhiều tầng áp lực. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm nước ta hiện đang phải cạnh tranh với tôm Ecuador tại Mỹ và từ nhiều thị trường khác. Cá ngừ cũng đang nguy cơ mất thị phần tại Mỹ do đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển của nước này không công nhận tương đương cho ngành hải sản Việt Nam. Giờ đây, lại thêm rào cản lớn từ việc tăng thuế quan, đây là thách thức vô cùng lớn với ngành thủy sản nước ta.
Tìm hướng xuất khẩu cho thủy sản nước ta sang các thị trường mới và tiếp tục chờ đợi đàm phán của Chính phủ trong việc cân bằng cán cân thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, giảm sức ép bị áp thuế từ Mỹ là mong muốn của đa số doanh nghiệp vào lúc này.
Ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, cơ quan này đang làm báo cáo, đề xuất với Chính phủ và bộ ngành liên quan có giải pháp ứng phó, đảm bảo hoạt động xuất khẩu thuỷ sản được thông suốt.
Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam xung quanh các vấn đề trên.
* Thưa ông, những mặt hàng thủy sản nào của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong lần thay đổi thuế quan này của Mỹ?
Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Tác động của chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều các mặt hàng của chúng ta trong nhóm thủy sản. Các sản phẩm nuôi của chúng ta đang chiếm khoảng 70% giá trị kim ngạch mà xuất sang Hoa Kỳ, bao gồm các sản phẩm từ tôm, sản phẩm từ cá tra đang chiếm khoảng 1,1 tỷ USD trong 1 năm cho hai nhóm mặt hàng đó.
Thứ hai, tác động tiếp theo là đến nhóm hải sản từ biển, nó liên quan trực tiếp đến lực lượng khai thác sản xuất của ngư dân của chúng ta, cũng khoảng 700 – 800 triệu USD trong 1 năm. Hiện nay các nước cạnh tranh như là Ấn Độ chỉ có hơn 20%, Ecuador chỉ có 10%, Thái Lan khoảng 34%.
Tóm lại, các nước mà đang có xuất khẩu cạnh tranh thủy sản của Việt Nam thì mức thuế chỉ bằng 1/4 hoặc 1/2.
* Như vậy giải pháp cũng như đề xuất mà VASEP sẽ đưa ra lúc này là gi để các doanh nghiệp có thể thích ứng với thách thức chưa từng có này, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Đề xuất đầu tiên đó là chúng tôi đề nghị Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ có thể để đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ để làm sao đưa mức thuế xuống mức thấp nhất có thể.
Thứ hai là chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ đàm phán ở giai đoạn tạm gọi như là chuyển tiếp.
Còn với thời gian sẽ có hiệu lực chỉ trong vài ngày tới thì hiện nay rất nhiều lô hàng đang trên đường đến Hoa Kỳ và cũng rất nhiều lô hàng đang chuẩn bị để xuất khẩu thì giải quyết bài toán cho số lượng này hiện nay thống kê sơ bộ đang khoảng gần 1.500 tấn.
Các doanh nghiệp cần chủ động để liên hệ và phối hợp với văn phòng hiệp hội cũng như là với các nhà nhập khẩu để làm sao mà có được các thông tin tốt nhất, phối hợp với chính phủ để có được những đàm phán sớm có kết quả tốt nhất.
Nguồn: VTV