Mỹ công bố rào cản thương mại – cảnh báo trước giờ áp thuế
Theo kế hoạch ngày mai, Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại đang áp đối với hàng hóa của Mỹ. Chi tiết về các mức thuế này đối với từng đối tác cho tới nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, hôm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một báo cáo chi tiết về các chính sách và quy định của các nước mà Washington coi là rào cản thương mại.
Trong đó liệt kê mức thuế suất trung bình và các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại; từ các quy định về an toàn thực phẩm phức tạp, cho đến yêu cầu sử dụng năng lượng tái tạo và quy định về mua sắm công.
Báo cáo này là một trong những tiêu chí quan trọng, theo đánh giá của phía Mỹ, để Tổng thống ban hành mức thuế suất. Các rào cản thương mại này bao gồm các quy định mà một quốc gia đưa ra, như về thuế giá trị gia tăng, tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật số, nghĩa vụ báo cáo về môi trường và xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tỷ giá hối đoái, đăng ký sản phẩm. Căn cứ còn lại là mức thâm hụt thương mại của một nước với Mỹ trong thời gian qua.
Báo cáo được công bố hai ngày trước thời điểm Mỹ công bố mức thuế đối ứng, được xem là bất lợi đối với các đối tác thương mại của Mỹ, vì các nước có quá ít thời gian để phân tích, lãm rõ chính sách thương mại của nước mình, hoặc cùng phía Mỹ đưa ra cách thức xử lý những khác biệt trước khi áp thuế.
Theo kế hoạch ngày mai, Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại đang áp đối với hàng hóa của Mỹ
Canada đáp trả, châu Á liên kết đối phó thuế Mỹ
Mỗi nước đang có những phản ứng khác nhau. Một số nước tuyên bố mạnh mẽ sẽ đáp trả Mỹ mức thuế tương ứng mà Mỹ áp đặt như Canada. Mexico chủ động xây dựng chương trình Made in Mexico – Sản xuất tại Mehico, để nền kinh tế nước này đủ mạnh, thích ứng trước những tranh chấp thương mại.
Trung Quốc một mặt lên án chính sách của Mỹ, mặt khác, đang phối hợp với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng ứng phó với mức thuế quan mới của Mỹ sau cuộc đối thoại kinh tế giữa ba nước lần đầu tiên được tổ chức sau 5 năm.
Ba nước nhất trí tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và tham gia nhiều hơn vào đối thoại về kiểm soát xuất khẩu. Nhưng Hàn Quốc cũng đi theo cách riêng để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuần trước, Chủ tịch tập đoàn Hyundai Hàn Quốc đã đến Nhà Trắng và công bố đầu tư 21 tỷ USD vào Mỹ trong ba năm tới và nhập khẩu 3 tỷ USD khí hoá lỏng của Mỹ. Samsung cũng xây dựng 3 nhà máy tại Mỹ.
EU cũng có sự chuẩn bị riêng và chờ phía Mỹ công bố mức thuế đối với EU thế nào rồi sẽ có các biện pháp đáp trả tương ứng.
Nguồn: VTV