Hai nước đã nhất trí đạt một gói thỏa thuận về thuế quan mới vào đầu tháng 7. Đây là kết quả cuộc tham vấn thương mại “2+2” tại Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/4.
Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 85 phút, hai bên đặt mục tiêu hoàn thành soạn thảo thỏa thuận trước ngày 8/7, thời điểm lệnh tạm dừng áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc.
Gói thỏa thuận sẽ tập trung vào 4 hạng mục: Các biện pháp thuế quan và phi thuế quan; an ninh kinh tế; hợp tác đầu tư; và chính sách tiền tệ.
Hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sớm nhất vào tuần tới.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Hàn Quốc, nước bị ông Trump áp thuế đối ứng 25%, là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động đàm phán thương mại với Mỹ. Nhật Bản – một đồng minh thân cận khác của Mỹ ở châu Á – đã bắt đầu đàm phán vào tuần trước và có vòng đàm phán thứ hai vào ngày 24/4.
Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok, trong cuộc gặp vừa rồi với giới chức Mỹ, phía Hàn Quốc tập trung đặc biệt vào lĩnh vực ô tô – lĩnh vực chịu tác động tiêu cực lớn nhất từ thuế quan của Mỹ. Ông cũng cho biết Bộ Tài chính Hàn Quốc và Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc thảo luận riêng về chính sách tiền tệ.
Ông Choi nói với các phóng viên Hàn Quốc rằng không có đề cập nào đến vấn đề chi phí quốc phòng trong vòng đàm phán này. Trước đây, ông Trump đã nói rằng việc chia sẻ chi phí duy trì sự quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc sẽ là một phần của đàm phán thương mại với Hàn Quốc. Nhưng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chi phí quốc phòng là một vấn đề riêng và sẽ không được bàn đến trong đàm phán thương mại.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun cho biết hai bên không đề cập đến việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại tự do song phương Mỹ – Hàn ký kết vào năm 2007.
Phía Hàn Quốc cũng đề nghị Washington thấu hiểu rằng tiến trình đàm phán thương mại song phương có thể bị ảnh hưởng bởi “lịch trình chính trị” – có thể hàm ý là cuộc bầu cử sớm sắp diễn ra vào ngày 3/6 tại Hàn Quốc để bầu Tổng thống mới sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất.
Giới chuyên gia cho rằng Hàn Quốc khó có thể đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào về các dự án năng lượng và chi phí quốc phòng chừng nào nước này còn đang được lãnh đạo bởi một quyền Tổng thống.
Theo dự kiến, Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an ninh năng lượng ở Alaska vào tháng 6 và tại sự kiện đó, Washington hy vọng giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đưa ra cam kết đối với một dự án khí đốt hóa lỏng (LNG) ở bang Alaska – nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters ngày 24/4.
Nguồn: VTV