Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Đảm bảo lợi ích hài hoà
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối tượng của dự thảo bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nói về việc ứng xử để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp Nhà nước và người dân; giữa các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ việc này.
Theo Bộ trưởng, để triển khai Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ tập trung xây dựng Nghị quyết với tất cả vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết triển khai các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy, để hiện thực hóa Nghị quyết 68 sẽ có hai nghị quyết.
“Với 5 triệu hộ kinh doanh, chúng ta mong muốn những hộ kinh doanh có thể lớn để sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà có thể lớn được, có cơ hội lớn được thì người ta cũng sẵn sàng phấn đấu để trở thành những doanh nghiệp vừa và lớn”, Bộ trưởng nói.
Do đó, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã có chính sách hỗ trợ cả những doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn.
“Chúng tôi cũng rất lo, nếu ưu ái quá đối với hộ kinh doanh thì người ta cũng không muốn lớn nữa. Hay ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ quá thì người ta cũng không muốn lớn”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, trong quá trình tham mưu, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, hiện nay cơ chế chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết đang cố gắng “kéo” các chính sách ưu tiên giữa hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào với nhau.
“Trước đây ứng xử với hộ kinh doanh như thế nào thì bây giờ cũng phải có những quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng và để hộ kinh doanh hoạt động minh bạch hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Cho ý kiến tại tổ, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan điểm, những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm. Dẫn chứng cho điều này, bà Yến lấy ví dụ việc sau 4 năm thu phí đỗ ô tô trên 20 tuyến đường, TP Hồ Chí Minh không những không thu được lợi nhuận mà còn báo lỗ hơn 2,28 tỷ đồng. Đại biểu này cho biết những việc này nên cho tư nhân làm.
Về vấn đề môi trường kinh doanh, đại biểu Yến cho biết doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn sự bình đẳng trong kinh doanh.
“Doanh nghiệp sân sau, cũng như những gì không rõ ràng là cản trở lớn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng”, bà Yến nói.
Góp ý cụ thể, thay vì tên gọi “Cải thiện môi trường kinh doanh” (Chương II) như trong Nghị quyết theo đại biểu Yến nên đổi thành tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Hay như về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đây là điều mà doanh nghiệp đang rất mong mỏi. Song đại biểu nêu thực tế để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được là rất khó khăn.
“Đã có những quy định, thậm chí quy thành luật song để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Nhà nước thì hầu như chỉ đếm trên “đầu ngón tay”. Như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu có điều kiện nên khảo sát có bao nhiêu doanh nghiệp được quyền lợi từ luật này”, bà Yên cho biết và nhấn mạnh cần quy định cụ thể, chi tiết những hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Liên quan đến cơ chế ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo), miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 3 năm đầu, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng cơ chế này so với các ưu đãi của Nhà nước dành cho FDI hiện nay vẫn chưa tương xứng.
Hiện, chúng ta miễn thuế thu nhập doanh nghiệp FDI trong 4 năm đầu và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo. Vậy mức ưu đãi doanh nghiệp đổi mới sáng tạo so với FDI là chưa tương xứng. Vì vậy, cân nhắc có ưu đãi cao hơn.
Nguồn: VTV