Giá sầu riêng giảm mạnh
Từng có mức giá lên tới 150.000-200.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm ngoái, sầu riêng đã được nông dân lựa chọn trở thành cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong 4 tháng gần đây cho thấy, mức tăng về diện tích, sản lượng đã không song hành với mức tăng về giá, thậm chí là ngược lại.
Thời điểm này, các vườn sầu riêng tại Đông Nam bộ bước vào chính vụ thu hoạch nhưng nông dân không vui khi giá không như kỳ vọng.
Theo dự tính ban đầu, 4 ha sầu riêng Dona của ông Triều thu hoạch khoảng 40 – 50 tấn, bán với giá 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, kỳ thu hoạch này, ông rất bất ngờ khi chỉ có thể bán được 59.000 đồng/kg, nghĩa là giảm đến hơn 50% so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Triều – Huyện Định Quán, Đồng Nai chia sẻ: “Hiện nay cắt hơn 40 tấn so với giá 120.000 -130.000 đồng/kg thì tôi bán 59.000 đồng là tôi mất hơn 2 tỷ”.
Không chỉ có sầu riêng Dona, sầu riêng Ri 6 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cách đây hai tháng, sầu riêng Ri6 có giá 70.000đ/kg nhưng hiện chỉ ở mức 50.000-52.000đ/kg.
Ông Cam Minh – Huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết: “Nếu mà giá này thì chỉ thu hồi được vốn đầu tư còn tiền công chưa thu được”.
Trong khi các vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng chỉ vài tấn/vườn, ở Đông Nam bộ có thể lên đến 50-100 tấn/vườn. Hiện diện tích trồng sầu riêng Việt Nam đạt gần 170.000 ha, dự kiến sản lượng 1,7 triệu tấn, tập trung từ nay đến tháng 9.
Thời điểm này, các vườn sầu riêng tại Đông Nam bộ bước vào chính vụ thu hoạch
Giải pháp ngăn đà giảm giá sầu riêng
Năm ngoái, sầu riêng là mặt hàng từng đạt 3,2 tỷ USD, nhưng kết quả hơn 4 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 20% kế hoạch.
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Những tháng gần đây, Trung Quốc bổ sung thêm một số các biện pháp kiểm soát liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ phòng thử nghiệm, từ doanh nghiệp và từ người dân phải có thời gian thích ứng, chúng ta có thể đáp ứng ngay được. Chính vì vậy, đây là một trong những khó khăn và một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc ùn ứ, giảm đi số lượng xuất khẩu của chúng ta sang thị trường rất lớn này.
Nguyên nhân thứ hai, việc cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Indonesia rất khốc liệt. Trong thời điểm 4 tháng đầu năm theo chu kỳ cơ cấu cây trồng hàng năm, đây là thời kỳ thu hoạch rộ nhất của tất cả các nước. Cung vượt cầu, việc ký kết các hợp đồng mới và thực hiện các hợp đồng đã ký với những khó khăn vừa qua có khoảng chững lại.
Cho đến nay, số liệu cập nhật từ các cửa khẩu trong 4 tháng đầu năm mới có khoảng 4 xe hàng do doanh nghiệp Việt chưa đủ đáp ứng điều kiện mà họ tự chủ động quay trở lại chứ chưa sang địa bàn của Trung Quốc. Mức độ vi phạm không trầm trọng. Hàng vẫn xuất khẩu được, mặc dù tốc độ chậm hơn”.
Nói về những giải pháp đồng bộ mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra, ông Hoàng Trung cho biết thêm: “Đầu tiên, chúng ta nên yêu cầu việc tổ chức sản xuất lại, kiểm soát tất cả mã số vùng trồng theo chuẩn mực của Nghị định thư. Chúng ta đã rà soát và bỏ hơn 100 mã số vùng trồng mặc dù đã được phê duyệt và tạm dừng khoảng 80 cơ sở đóng gói. Đặc biệt, chúng tôi đã thiết lập theo chủ trương của Bộ các chương trình giám sát tại gốc, tức là tại các khu vực lớn trồng sầu riêng có nhiều mã số, Bộ sẽ tiến hành các chương trình kiểm soát các dư lượng hóa chất được sử dụng trên cây sầu riêng ngay tại đó.
Thứ hai, chúng ta đang tập trung cho việc thực hiện tốt và có hiệu quả Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh. Hiện nay, chúng ta đang có 15 nước nhập khẩu trái sầu riêng của chúng ta, cả sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh”.

Việt Nam cần thống nhất cơ chế quản lý và quy trình sản xuất, tiêu thụ đạt chuẩn quốc tế
Hoàn thiện quy trình để phát triển bền vững
Ngay thời điểm này, giá sầu riêng đã có cải thiện. Tại cửa khẩu, mỗi ngày số lượng xe thông quan đã tăng lên 20-30 xe.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, khi đã xác định sầu riêng là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang một thị trường cũng chủ lực, các nhân tố trong chuỗi phải ứng xử chuyên nghiệp và bài bản. Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho những vùng sản xuất trọng điểm phải là đòi hỏi bắt buộc.
Chăm chút từng sản phẩm, luôn làm ăn uy tín, đặt chất lượng lên hàng đầu, thế nhưng, HTX vẫn đứng ngồi không yên khi thị trường xuất khẩu sầu riêng gặp khó và kéo dài.
Ông Nguyễn Tiến Điệp – Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam nhận định: “Mong muốn của doanh nghiệp và bà con tới đây sẽ có những trung tâm kiểm định nằm tại các khu vùng nguyên liệu. Có những tuyên truyền về kỹ thuật để bà con cùng các doanh nghiệp khắc phục, cái nào đạt thì cho đi, cái nào không đạt thì dừng lại tại đó và có những chế tài”.
Ông Lưu Văn Phi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Chúng ta phải ngồi lại với nhau để phân tích gốc rễ của vấn đề, từ đó có giải pháp để làm ăn căn cơ, bài bản hơn và phải đồng tâm hiệp lực kiểm soát lẫn nhau”.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp đến năm 2025, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 75.000 ha, nhưng hiện tại con số này đã vượt 150.000 ha. Cùng với kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, quy hoạch sản xuất đang là yêu cầu cấp bách.
Ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Xem lại cây sầu riêng có ổn định không, có dẫn tới tình trạng sau này không làm được phải chặt bỏ đi. Phải liên kết với doanh nghiệp để có thị trường tiêu thụ ổn định, kể cả thị trường quốc tế để vùng nguyên liệu đó ổn định”.
Liên kết vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để cho ngành sầu riêng nước ta phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Bởi ở đó, nông dân, doanh nghiệp sẽ bắt tay cùng làm, hướng tới sản lượng lớn, chất lượng cao nhằm cạnh tranh xuất khẩu vào nhiều thị trường.
Cần thống nhất giá và thời gian xét nghiệm
Trước mắt, để đảm bảo thông thương, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị thống nhất về giá và thời gian kiểm định xét nghiệm Vàng Ô, cadimi. Việc mỗi nơi có một mức giá và thời gian trả kết quả Vàng Ô là 4 ngày, Cadimi 2 ngày được cho là không phù hợp, khiến trái cây bị nứt, giảm chất lượng.
Hơn nữa, nếu mức giá xét nghiệm quá cao, chi phí của doanh nghiệp tăng thì bắt buộc họ phải bán tại kho hoặc giảm giá mua tại vườn để có thể bù lại, còn khách hàng nhập khẩu có thể tính đến mua từ nước khác với chi phí xét nghiệm rẻ hơn. Thái Lan cũng đang vào vụ thu hoạch và là một chọn lựa.
Để đạt mục tiêu tiêu xuất khẩu sầu riêng đạt 3,5 tỷ USD trong năm nay, Việt Nam cần thống nhất cơ chế quản lý và quy trình sản xuất, tiêu thụ đạt chuẩn quốc tế.
Mới đây, Trung Quốc lần đầu tiên đưa phụ gia vào Nghị định thư kiểm dịch sầu riêng với Campuchia đã cho thấy thị trường đang nâng cao hơn nữa về tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng.
Nguồn: VTV