Theo thông tin mới nhất từ chính quyền Mỹ, thông báo về thuế quan sẽ được đưa ra vào lúc 15 giờ ngày 2/4 theo giờ Washington, tức 2 giờ sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam. Thị trường đã phản ứng với những căng thẳng thuế quan leo thang suốt hơn 2 tháng qua, ngay từ ngày đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tại Nhà Trắng.
Trong cuộc họp báo, bà Karoline, Thư ký báo chí Nhà Trắng đã nhận được nhiều câu hỏi, trong đó có thắc mắc, liệu Tổng thống Donald Trump có sẵn sàng đàm phán, thương lượng, thỏa thuận với các quốc gia khác hay không.
Bà Karoline Leavitt – Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết: “Dĩ nhiên, Tổng thống luôn sẵn sàng nghe điện thoại, luôn sẵn sàng đàm phán một cách tích cực. Nhưng hiện tại ông đang tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thương mại và đảm bảo rằng người lao động Mỹ được đối xử công bằng”.
Kể từ ngày 3/4, thời kỳ nước Mỹ bị lợi dụng sẽ chấm dứt. Người lao động và doanh nghiệp Mỹ sẽ được đặt lên hàng đầu dưới thời Tổng thống Trump, đúng như những gì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Hành động mang tính lịch sử của Tổng thống vào ngày 3/4 sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ trên mọi lĩnh vực công nghiệp, giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của chúng ta và cuối cùng là bảo vệ an ninh kinh tế cũng như an ninh quốc gia, bà Karoline Leavitt cho biết thêm.
Chứng khoán toàn cầu giao dịch trầm lắng
Chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường tiền tệ toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ mở cửa chìm trong sắc đỏ với cả 3 chỉ số chính đều giảm từ 0,3 đến 0,7%. Các thị trường châu Âu cũng giảm. Chỉ số DAX của Đức giảm hơn 1%, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,5%. Trước đó, Thị trường chứng khoán châu Á đã có một ngày giao dịch thận trọng khi các thị trường chủ chốt trong khu vực hầu như không có sự biến động đáng kể. Mức tăng giảm trung bình đều trên dưới 0,5%.
Thuế quan ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường tiền tệ. Chỉ số đồng USD hiện đang đứng ở mức 104,13. Chỉ số đồng USD gần như đi ngang trong 2 tuần trở lại đây. Vào cuối tháng 2, chỉ số này đứng ở mức rất cao, gần 108, trước khi các nhà đầu tư bán USD để chuyển sang nắm giữ các dạng tài sản khác. Ví dụ như đồng yen Nhật.
Đồng yen Nhật có thể sẽ đóng vai trò là tài sản trú ẩn giữa bão thuế quan. Hiện tại tỷ giá đang là 149,23 yen Nhật đổi 1 USD. Đồng yen đã bắt đầu quá trình tăng giá trong vòng 1 tuần trở lại đây.
Thuế đối ứng có thể áp dụng diện rộng
Một chuyên gia của Ngân hàng Mizuho đã nói, thị trường không sợ hãi vì thuế quan. Nhưng các nhà đầu tư sợ nhất là sự bất ổn, khó đoán. Đó chính là tâm lý thị trường suốt hơn 2 tháng qua. Trang CNN nhận định chứng khoán Mỹ đang có quý I tồi tệ nhất kể từ năm 2022.
Tổng thống Trump coi thuế quan là một cách bảo vệ nền Mỹ khỏi tình trạng cạnh tranh toàn cầu không lành mạnh và gần như là một đòn bẩy thương mại để có được các điều khoản tốt hơn cho Washington – cả về kinh tế lẫn các chính sách đối ngoại. Những phát biểu thời gian gần đây từ giới chức Mỹ đều khiến thị trường nín thở theo dõi.
Nếu Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett từng khẳng định, thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump chủ yếu nhắm tới 10-15 quốc gia có thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ. Trong phát biểu mới nhất của mình, Tổng thống Trump khẳng định thuế đối ứng sẽ nhắm đến mọi quốc gia áp thuế với hàng nhập khẩu của Mỹ – chứ không chỉ một vài quốc gia nào cả. Không có ngoại lệ ở đây. Thậm chí, số tiền thuế mà Mỹ thu được ước tính có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.
Ông Josh Boak – Phóng viên hãng tin Associated Press cho hay: “Khi Nhà Trắng nói rằng ngày 2/4 sẽ là một ngày mang tính lịch sử, họ không hề nói quá về mức độ hệ trọng của nó. Ông Trump có thể áp đặt các loại thuế này mà không cần Quốc hội phê chuẩn, và quy mô các loại thuế này sẽ là cực kỳ lớn. Một trợ lý của ông Trump từng gợi ý rằng tổng số thuế có thể lên tới 600 tỷ USD mỗi năm. Đây sẽ là đợt tăng thuế lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2”.
Thuế đối ứng – hay gọi là thuế có qua có lại – là một khái niệm được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào ngày 13/2 – trong một bản ghi nhớ mang tên FRP – dịch ra là Kế hoạch Thuế công bằng và có đi có lại.
Bản ghi nhớ này yêu cầu các cơ quan liên bang của Mỹ điều tra về các mặt hàng, các đối tác thương mại đang gây ra sự bất công với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào quốc gia của họ. Hạn chót để đưa ra báo cáo là 1/4.
Ví dụ chiếc ô tô Mỹ, khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu, ô tô Mỹ bị đánh thuế 10%. Ở bên kia, khi xe ô tô của EU nhập khẩu vào Mỹ, lại chỉ chịu mức thuế 2,5%. Theo như bản ghi nhớ FRP, Mỹ có thể áp thêm thuế lên chiếc ô tô châu Âu, để kết quả cuối cùng là một sự cân bằng.
Không chỉ dừng lại ở những hàng rào thuế quan. FRP còn nhắm tới cả những hàng rào phi thuế quan và những loại thuế không đối ứng. Ví dụ như thuế giá trị gia tăng, một loại thuế được hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng. Ở EU thuế VAT được áp dụng một cách bình đẳng, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ. Nhưng phía Mỹ cho rằng VAT là điển hình của hành vi thương mại không công bằng.
Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một danh sách các nền kinh tế có thể sẽ chịu nhiều rủi ro. Đó là Nhật Bản, Ấn Độ và EU. Ngoài ra còn có Thái Lan và Hàn Quốc…
Các nền kinh tế phản ứng với thuế đối ứng của Mỹ

Liên minh châu Âu EU sẵn sàng đáp trả mạnh tay trong trường hợp Mỹ áp thuế đối ứng với các quốc gia thành viên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC, bà Ursula Von Der Leyen khẳng định, Liên minh châu Âu EU sẵn sàng đáp trả mạnh tay trong trường hợp Mỹ áp thuế đối ứng với các quốc gia thành viên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cho biết: “Chúng tôi sẽ phản ứng một cách quyết liệt và thống nhất với thuế quan của Mỹ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch áp thuế của Mỹ một cách kỹ lưỡng để từ đó đưa ra các phản ứng phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được thỏa thuận thông quan đàm phán, nhưng nếu cần, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích, các doanh nghiệp và công dân của mình”.
Trong khi đó, Canada cũng tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp bị Mỹ áp thuế. Ngoài ra, Canada cũng khẳng định sẽ thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng tính tự chủ.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thay đổi một cách toàn diện cấu trúc kinh tế Mỹ. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta cũng cần những thay đổi mang tính nền tảng”.
Nền kinh tế thứ 2 châu Á Nhật Bản chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận miễn trừ thuế quan áp dụng cho ô tô, ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết: “Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ. Về các mức thuế của Mỹ đánh lên ngành công nghiệp ô tô và các lĩnh vực khác, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận miễn trừ thuế quan với Mỹ”.
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp đáp trả nào với Mỹ như EU hay Canada mà vẫn nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao.
Chúng ta sẽ sớm biết quyết định của Nhà Trắng liên quan đến thuế quan. Tuy nhiên bất kể mức độ áp thuế như thế nào thì điều này nhiều khả năng cũng sẽ làm trầm trọng hơn các căng thẳng thuế quan, căng thẳng thương mại và gây xáo trộn hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Người Mỹ tranh thủ mua ô tô trước khi thuế quan có hiệu lực

Doanh số các loại xe bán tải và xe thể thao đa dụng tại Mỹ tăng trước lo ngại giá xe tăng theo chính sách thuế quan mới.
Doanh số các loại xe bán tải và xe thể thao đa dụng (SUV) tại Mỹ đã tăng trong quý I so với cùng kỳ năm 2024, trước lo ngại việc áp thuế nhập khẩu ô tô của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy giá xe tăng thêm hàng nghìn USD.
Đứng đầu danh sách là General Motors (GM) với mức tăng trưởng doanh số 17%. Chi nhánh ở Bắc Mỹ của Toyota Motor ghi nhận mức tăng khoảng 1%. Các nhà sản xuất ô tô châu Á như Hyundai, Mazda và Honda cũng báo cáo doanh số quý I tăng. Tổng cộng, doanh số xe mới tại Mỹ trong quý I đạt khoảng 3,91 triệu chiếc, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguồn: VTV