Trong số các đối tác thương mại đang đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan, Nhật Bản là một trong những nước khởi động đối thoại rất sớm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, quá trình đàm phán thương mại Mỹ – Nhật Bản lại đang gặp phải một số rào cản. Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để gỡ mức thuế mà Mỹ áp lên ngành xuất khẩu ô tô của nước này. Trong khi cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7 tại Nhật Bản cũng đang đến gần, khiến việc tìm tiếng nói chung với phía Mỹ càng trở nên cấp bách hơn.
Tuần tới, Nhật Bản chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thương mại thứ 3 với Mỹ, do Trưởng đoàn đàm phán thương mại Ryosei Akazawa dẫn đầu. Mục tiêu cao nhất là thuyết phục Washington miễn trừ mức thuế 25% đang treo lơ lửng trên ngành ô tô và linh kiện, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực và đang chịu áp lực nặng nề. Những tên tuổi lớn trong ngành thì đang gặp vô số khó khăn: Mazda vừa báo lãi ròng cả năm tài chính giảm hơn 45%, còn Nissan phải thay CEO giữa lúc doanh số suy yếu và kế hoạch sáp nhập thất bại.
Ông Ivan Espinosa – Giám đốc điều hành hãng ô tô Nissan cho biết: “Nếu Mỹ gỡ bỏ thuế quan, thì Nissan mới coi như có thể hòa vốn trong năm tài chính 2025. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ có thể bù đắp khoảng 30% thiệt hại do thuế quan gây ra thôi”.
Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán của Nhật ông Ryosei Akazawa tuyên bố phía Nhật sẽ yêu cầu xem xét lại các biện pháp thuế của Mỹ, đặc biệt là với ôtô, thép, nhôm và cả chính sách thuế đối ứng.
Ông Ryosei Akazawa – Trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản cho biết: “Các hãng xe Nhật Bản đang trong tình cảnh có công ty mỗi giờ thiệt hại tới 1 triệu USD. Chúng tôi sẽ hành động thận trọng và quyết liệt để bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đạt được một kết quả đôi bên cùng có lợi trong thời gian sớm nhất, và coi việc đi đến một thỏa thuận có lợi cho cả Nhật Bản và Mỹ là ưu tiên hàng đầu”.
Đổi lại, Nhật Bản sẵn sàng nhượng bộ bằng việc tăng nhập khẩu ngô, đậu tương Mỹ và hợp tác đóng tàu, song cho đến nay, đàm phán vẫn chưa đạt đột phá. Hiện Tokyo đặt kỳ vọng vào một bước tiến vào tháng 7 – thời điểm được cho là phù hợp cả về kinh tế lẫn chính trị, trước cuộc bầu cử Thượng viện. Nhưng theo chuyên gia của Nomura, ông Takahide Kiuchi, phía Mỹ không có động lực nhượng bộ sớm khi “áp thuế lên Nhật Bản ít tổn hại hơn nhiều so với Trung Quốc”, khiến quá trình đàm phán có thể kéo dài.
Nguồn: VTV