Doanh nghiệp Mỹ chia rẽ về chính sách thuế quan
Dự kiến trong hôm ngày nay 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố các mức thuế quan mới – theo hình thức “thuế đối ứng” với nhiều quốc gia tức là những nước đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị Washington áp thuế tương ứng với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng, nhiều chủ doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ những lo ngại về chính sách thuế quan mới này.
Theo dự kiến, hôm nay, mức thuế quan 25% với ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực sau tuyên bố của Tổng thống Trump hồi tuần trước. Động thái làm gia tăng căng thẳng thương mại và được dự đoán sẽ đẩy giá ô tô lên cao và cản trở sản xuất.
Ông Drew Greenblatt – Chủ tịch Hãng sản xuất thép Marlin cho biết: “Chúng tôi phải trả nhiều hơn 100% về thuế quan so với những gì họ trả ở Đức. Điều đó hoàn toàn không công bằng với tất cả những người lao động ở đây”.
Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với rượu vang, rượu cognac và các loại rượu nhập khẩu khác từ châu Âu. Điều này đã tác động đến thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Bà Michelle Lim Warner – Chủ cửa hàng rượu vang Dcanter chia sẻ: “Chắc chắn chúng tôi rất lo ngại về thuế quan. Chi phí tăng lên đã tác động đến biên lợi nhuận vốn đã eo hẹp và chắc chắn là tác động đến khách hàng của chúng tôi. Những đề xuất kiểu này thực sự đe dọa đến sinh kế của chúng tôi”.
Giới chuyên gia kinh tế dự đoán, đợt thuế mới có thể nhắm vào 15% số đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Hiện, các đối tác lớn cùng nhiều quốc gia khác đang nỗ lực các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, chuẩn bị các động thái ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Hôm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố các mức thuế quan mới – theo hình thức “thuế đối ứng” với nhiều quốc gia
Quốc gia chịu tác động từ thuế quan Mỹ
Dự kiến sẽ có nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong danh sách áp thuế đối ứng của Mỹ. Thái Lan và Malaysia được đánh giá là những nước chịu nhiều tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Cụ thể, Malaysia có ngành bán dẫn và điện tử phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mức thuế mới có thể làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành này.
Thái Lan có ngành ô tô, điện tử và thực phẩm chế biến xuất khẩu mạnh sang Mỹ và có thể bị tác động nếu Mỹ áp thuế cao.
Các biện pháp ứng phó thuế đối ứng của Mỹ
Malaysia, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa ASEAN và Hoa Kỳ để thảo luận về tác động của các mức thuế này.
Chính phủ Malaysia cũng đang làm việc với các đối tác thương mại để tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Malaysia cũng đang xem xét hỗ trợ về mặt tài chính và chính sách thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi mức thuế của Mỹ.
Trong khi đó, Thái Lan triển khai biện pháp như tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ với mục tiêu giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn 20 tỷ USD.
Thái Lan thành lập nhóm công tác đặc biệt để đối phó với các chính sách thương mại của Mỹ và ngăn chặn khả năng bị áp thuế. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng chủ trương đàm phán song phương để ngăn chặn căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước.
Còn với Việt Nam, từ ngày 31/3, nhiều mặt hàng nhập khẩu như ô tô, gỗ, ethanol, thực phẩm và nhiên liệu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới theo Nghị định 73 của Chính phủ. Việc điều chỉnh chủ động và kịp thời này nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tác thương mại và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Nguồn: VTV