Trang chủ kinh-te Những mối lo của Fed

Những mối lo của Fed

bởi Admin
0 Lượt xem

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 6-7/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở biên độ 4,25-4,5%, một động thái phản ánh sự thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đối mặt với những tác động khó lường từ cuộc chiến thương mại và bóng ma lạm phát đình trệ (lạm phát cao và tăng trưởng thấp) ngày càng hiện hữu.

Giới chức Fed cho rằng cơ quan này nên thận trọng chờ đợi thêm dữ liệu để đánh giá phản ứng của kinh tế Mỹ trước những thay đổi chính sách lớn của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, trong tuyên bố chính sách mới nhất, Fed cũng cảnh báo nguy cơ thất nghiệp và lạm phát cùng cao hơn đang gia tăng, vốn là dấu hiệu cho tình trạng lạm phát đình trệ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại họp báo rằng tình trạng bất ổn đang lan rộng, từ định hướng chính sách đến diễn biến kinh tế trước các tranh chấp thương mại toàn cầu. Ông Powell cũng nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng của lạm phát đình trệ, song khẳng định thị trường lao động Mỹ vẫn là điểm sáng đáng tin cậy của nền kinh tế.

Các biện pháp thuế quan thay đổi liên tục của ông Trump đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong quý I/2025, kinh tế Mỹ đã suy giảm, đánh dấu quý giảm đầu tiên kể từ năm 2022, do người dân Mỹ gấp rút mua hàng để tránh thuế quan khiến nhập khẩu tăng mạnh. Thâm hụt thương mại gia tăng, do nhập khẩu vượt xuất khẩu, đã kéo lùi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn có điểm sáng. Trong tháng Tư, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 177.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 4,2%. Ngay cả báo cáo GDP mới nhất cũng cho thấy một thước đo quan trọng về nhu cầu cơ bản của nền kinh tế đã thực sự khởi sắc trong quý I/2025. Thực tế, ông Powell đã dành nhiều lời khen ngợi cho thị trường lao động.

Sự vững mạnh của thị trường lao động cho phép Fed tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế hiện tại dường như không cần đến sự hỗ trợ thông qua cắt giảm lãi suất. Các quan chức Fed nhận định hoạt động kinh tế đã tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc, bất chấp những ảnh hưởng của việc nhập khẩu tăng vọt đối với GDP.

Dù vậy, một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế, khi các doanh nghiệp đang phải vật lộn với sự bất ổn từ chính sách của ông Trump. Sự bất ổn kéo dài này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng, khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và cuối cùng là kìm hãm đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, thuế quan còn làm tăng giá cả, gây thêm gánh nặng cho người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với lạm phát cao nhiều năm qua.

Nhìn chung, kinh tế Mỹ hiện chưa phát đi tín hiệu rõ ràng để Fed quyết định hướng đi cho chi phí vay. Đây chính là lý do các quan chức Fed giữ nguyên chính sách trong cuộc họp vừa qua, nhưng hầu hết các nhà kinh tế, và cả Fed hiện nay, đều nhất trí về nguy cơ hiện hữu của lạm phát đình trệ.

Lạm phát đình trệ từng gây khó khăn cho Fed trong những năm 1970 và đầu những năm 1980, và kịch bản này có thể tái diễn do các chính sách thuế quan của ông Trump.

Ông Powell một lần nữa thừa nhận khả năng này khi trả lời phỏng vấn báo chí, nhưng cách các quan chức Fed phản ứng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả việc liệu bất kỳ đợt tăng lạm phát nào có mang tính tạm thời hay không.

Ông Powell đã vạch ra một kịch bản ứng phó đơn giản cho Fed nếu lạm phát đình trệ thực sự xảy ra, theo đó cơ quan này sẽ xem xét khoảng cách giữa nền kinh tế với từng mục tiêu đề ra và các khung thời gian tiềm năng khác nhau để dự kiến thu hẹp những khoảng cách đó.

Fed có thể đứng trước lựa chọn khó khăn là quyết định vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết, nếu tình thế bắt buộc. Trong giai đoạn lạm phát đình trệ trước đây nhiều thập kỷ, Fed dưới sự điều hành của ông Paul Volcker đã chọn chống lạm phát, dù điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài. Nhưng biện pháp đó đã phát huy tác dụng, loại bỏ được tình trạng lạm phát cố hữu thời bấy giờ.

Khi được hỏi Fed sẽ ưu tiên khía cạnh nào trong nhiệm vụ kép gồm giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và ổn định giá cả, ông Powell cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó.

Ông nói thêm rằng lãi suất chính sách của Fed đang ở mức phù hợp trong khi chờ đợi sự rõ ràng hơn về thuế quan và những tác động đối với nước Mỹ.

Trả lời câu hỏi về mức độ suy yếu nào của thị trường lao động sẽ khiến Fed phải hành động, ông Powell nêu rõ rằng Fed sẽ xem xét toàn bộ dữ liệu thị trường lao động để đánh giá liệu các điều kiện có thực sự xấu đi hay không, đồng thời cũng sẽ cân nhắc các khía cạnh khác.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng Fed sẽ phản ứng nhanh hơn trước bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của thị trường việc làm, tương tự như năm ngoái khi cơ quan này mạnh dạn cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng đều trong vài tháng.

Ông Powell nhận định tình hình thuế quan liên tục biến động, nghĩa là quan điểm của Fed về nền kinh tế cũng có thể thay đổi theo, đặc biệt nếu chính quyền ông Trump đạt được các thỏa thuận thương mại.

Ông nói rằng nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới, khi chính quyền bắt đầu đàm phán với một số đối tác thương mại quan trọng, và điều này có khả năng thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan