Trang chủ kinh-te Ổn định thương mại, bình tĩnh ứng phó thuế quan

Ổn định thương mại, bình tĩnh ứng phó thuế quan

bởi Admin
0 Lượt xem

Thuế nhập khẩu đối ứng được Hoa Kỳ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động từ 10 – 50%. Việt Nam cũng không nằm ngoài nhóm chịu tác động, với mức thuế suất là 46%. Tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ ngày 3/4, Bộ Tài chính cũng khẳng định, mức thuế suất bình quân của Việt Nam áp dụng với hàng hóa nước này chỉ khoảng 9,4%.

Trong đó, phần lớn mặt hàng của Hoa Kỳ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế cao nhất 15% hoặc thấp hơn. Vì vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, ngành hàng cần hết sức bình tĩnh, để tìm giải pháp thích ứng trong ngắn hạn và hướng đến thương mại bền vững trong dài hạn.

Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đánh thuế 10% với tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia. Còn 46% là mức thuế cao nhất có thể áp dụng với một số mặt hàng của Việt Nam, không dàn đều cho tất cả.

Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đánh giá: “Chúng tôi đang ước tính một kịch bản chạy từ 20 – 25%. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không chủ quan nhưng phải bình tĩnh nhưng không quá lạc quan vì bối cảnh đặt ra hiện nay là rất khác so với trước đây, so với dự báo”.

Cách đây vài ngày, Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo Rào cản thương mại dài gần 400 trang, trong đó chia thành 14 loại rào cản mà Hoa Kỳ nhận thấy có ở các đối tác. Riêng Việt Nam, Hoa Kỳ đã dành 8 trang để phân tích những trở ngại với thị trường.

“Phải giải quyết kịp thời, hợp lý những yêu cầu mà phía Mỹ đã và đang đưa ra liên quan đến mở cửa đầu tư, năng lượng, hàng không, thanh toán và một số dịch vụ khác như viễn thông, tài chính ngân hàng…”, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho hay.

Bộ Tài chính khẳng định, mức thuế suất bình quân của Việt Nam áp dụng với hàng hóa Hoa Kỳ chỉ khoảng 9,4%. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ. Năm 2024, kim ngạch nhập khẩu tăng gần 8% so với năm 2023. Các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu những sản phẩm thế mạnh của thị trường này.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, kinh nghiệm cho doanh nghiệp là “không nên bỏ trứng vào một giỏ”, hãy hướng đến các thị trường có nhu cầu như những quốc gia tái thiết sau chiến tranh, thiên tai, hoặc đang có tốc độ tăng trưởng tốt.

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đại diện Công ty VIETGO chia sẻ, 3 năm qua, xu hướng nhập khẩu gỗ dán Việt Nam của Ấn Độ tăng rất tốt, số lượng xuất đi mỗi tháng lên đến 5.000 container.

Người ta hay nói trong tất cả phương pháp để giải quyết tranh chấp, bất đồng quan điểm về thương mại, nếu đàm phán là giải pháp tốt thứ nhì thì không có gì đứng thứ nhất. Phong cách đàm phán của Tổng thống Donald Trump đã được nhiều báo chí phân tích đó là đạt được lợi ích cao nhất cho Hoa Kỳ và có đi có lại. Nếu đối tác đưa ra sự nhượng bộ thì có thể giảm thuế. Hiểu quan điểm này sẽ có lợi hơn cho Việt Nam trên bàn thương thảo.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan