Trang chủ kinh-te Phát triển kinh tế tư nhân: “Gõ” từng ngành để tạo sức bật cho doanh nghiệp

Phát triển kinh tế tư nhân: “Gõ” từng ngành để tạo sức bật cho doanh nghiệp

bởi Admin
0 Lượt xem

Cần xây dựng những cánh chim đầu đàn để dẫn dắt ngành hàng phát triển

Kinh tế tư nhân được coi là “con át chủ bài” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên đến nay, khu vực này vẫn chưa phát triển và phát huy được hết tiềm năng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kinh tế tư nhân lớn mạnh thì không chỉ bằng những chính sách và giải pháp đột phá, mà cần tập trung cao độ “gõ” từng ngành hàng, từng địa phương. 

Dựng nên “con chim đầu đàn” để dẫn dắt

Theo thống kê, kinh tế tư nhân hiện đóng góp tới gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo – đây là một tham vọng và thách thức lớn. Và trách nhiệm này đặt lên vai doanh nghiệp tư nhân. Phát triển kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố then chốt để có thể đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex kiến nghị, mỗi ngành hàng cần xây dựng những “con chim đầu đàn” để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn phát triển. Để làm được điều đó, Chính phủ cần có chính sách riêng biệt cho các doanh nghiệp đầu ngành này để họ có thể yên tâm hỗ trợ và kéo “đàn em”. “Đơn cử như đối với ngành nông nghiệp, hiện rất cần có các doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành sẽ hỗ trợ lớn cho số đông người lao động và hàng triệu nông dân”, ông Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, bà Nguyễn Thu Hương – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu dệt may Thanh Hương cũng nêu quan điểm cần có những doanh nghiệp “anh chị” dẫn dắt và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. “Dệt may là ngành phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu, trong khi nền công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn chưa đáp ứng đủ. Đồng thời cũng là ngành luôn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, cải tiến công nghệ, hướng tới nền kinh tế xanh… Các yếu tố này đòi hỏi ngành hàng cần có những doanh nghiệp lớn để làm chủ xu thế, dẫn dắt, hỗ trợ, thậm chí là cho nhiều doanh nghiệp nhỏ mượn “đôi cánh khổng lồ” để phát triển, để vươn xa ra thị trường toàn cầu”, bà Hương chia sẻ thêm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đã đặt ra vấn đề xây dựng được những doanh nghiệp dẫn đầu để vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nhiều năm qua. Trong một số ngành hàng chúng ta đã có doanh nghiệp lọt vào Top các doanh nghiệp được xếp hạng trên thế giới. Tuy nhiên chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đa số doanh nghiệp nước ta vẫn phụ thuộc vào công nghệ của doanh nghiệp FDI. 

“Vì vậy, nước ta cần thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn việc xây dựng các doanh nghiệp đầu đàn có thể dẫn dắt tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ khi làm được như vậy thì nước ta mới có những doanh nghiệp có khả năng tự chủ về công nghệ và không còn hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài nữa”, ông Hiếu nhấn mạnh.

 “Chỉ mặt điểm tên” từng lĩnh vực

Kinh tế tư nhân được coi là “con át chủ bài” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chiến lược về phát triển kinh tế cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cần nhanh chóng thay đổi theo hướng tập trung vào trọng tâm của từng ngành, từng lĩnh vực. Trên thế giới, nhiều nước phát triển đã có chính sách hỗ trợ rất thiết thực để kinh tế tư nhân lớn mạnh. Ví như Nhật Bản, họ đã xây dựng mô hình doanh nghiệp nhiều tầng và đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kích thích hộ kinh doanh lớn lên và hỗ trợ cho sự xuất hiện của nhiều gương mặt tỷ phú mới.

Đã đến lúc, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phải đến được từng ngõ ngách. Theo đó, cần “gõ” từng ngành và “chỉ mặt điểm tên” từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ nên mạnh dạn “đặt hàng”, giao dự án quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân – trao cơ hội để họ có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. TS. Nguyễn Quốc Việt – Chuyên gia Chính sách công, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân sẽ “bật” lên khi được tham gia các công trình trọng tâm, trọng điểm và tạo ra được hệ sinh thái để thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, họ cảm thấy khích lệ khi được đối xử công bằng hơn, không còn cảnh doanh nghiệp lớn “ôm” hết khiến doanh nghiệp nhỏ không còn “đất” để phát triển.

Trễ 1 ngày là có thể bỏ lỡ vô vàn cơ hội

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI khẳng định, nếu không phát triển doanh nghiệp tư nhân, không phát triển các thương hiệu Việt thì Việt Nam không phát triển được. Như vậy, thách thức trước mắt cũng như lâu dài đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất lớn. 

Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần chậm trễ 1 ngày là doanh nghiệp có thể bỏ lỡ vô vàn cơ hội, không đáp ứng được yêu cầu nền kinh tế đặt ra. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động vươn lên nắm bắt cơ hội để phát triển. TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp tư nhân cần thay đổi tư duy. Vừa phải có ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh – hiệu quả, vừa phải nâng cao kỹ năng quản trị, chủ động kết nối vào hệ sinh thái trong và ngoài nước. 

Nhiều doanh nghiệp vẫn “than” không có đủ vốn, nguồn lực tài chính để “lớn”. Theo ông Lực, trong nền kinh tế có 5 nguồn vốn, vốn tín dụng ngân hàng thông thường đóng góp 50%, và 50% là những nguồn vốn khác. Doanh nghiệp phải đa dạng hóa các kênh dẫn vốn khác như: trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, đầu tư công, FDI, vốn đầu tư tư nhân…

Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải ý thức và thiện chí, quản trị công khai minh bạch hơn, số liệu phản ánh chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của mình để ngân hàng thẩm định chính xác, qua đó mới cho vay tín chấp…/.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan