Những biến động của Phố Wall đêm 31/3 cũng là điều các nhà đầu tư có thể lường trước, khi chỉ còn hơn 1 ngày nữa là đến thời điểm chính phủ Mỹ chính thức công bố danh sách áp thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại và là ngày Tổng thống Trump gọi là Ngày giải phóng của nước Mỹ.
Một nguy cơ mà các nhà kinh tế đang lo ngại đó là chính sách thuế quan này có thể đẩy giá cả hàng hoá tại Mỹ tăng vọt nếu các quốc gia đối tác cũng tăng thuế đáp trả.
Các chỉ số chính đồng loạt giảm mạnh lúc mở cửa ngày 31/3, do lo ngại kế hoạch áp thuế mới từ chính quyền Tổng thống Trump có thể gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu. Trong đó, đầu phiên, giảm mạnh nhất là hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq – đều giảm hơn 1%.
Tuy nhiên, thị trường dần hồi phục về cuối phiên khi Dow Jones đảo chiều tăng mạnh 417 điểm, tương đương 1%; S&P 500 tăng 0,55%. Riêng Nasdaq vẫn giảm nhẹ.
Theo chuyên gia Mary Ann Bartels từ Sanctuary Wealth, thị trường đang trong giai đoạn “thử đáy”, và có thể mất vài tuần đến vài tháng để xác lập vùng đáy ổn định, đặc biệt khi nhà đầu tư vẫn cần thêm thông tin rõ ràng về chính sách thuế.
Theo chuyên gia Kathleen Brooks, thuộc công ty nghiên cứu thị trường XTB, tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường tài chính trước khi Mỹ đưa ra thông báo mới vào ngày 2/4.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ áp dụng thuế quan với tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, đã làm gia tăng lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế.
Thông báo về việc Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với tất cả xe nhập khẩu và phụ tùng đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô. Tại châu Âu, giá cổ phiếu Porsche và Volkswagen đều giảm hơn 3%. Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn 3%.
Các nhà kinh tế của công ty phân tích kinh tế Moody’s Analytics nhận định, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ việc đánh thuế. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế mạnh mẽ sẽ làm suy yếu niềm tin, ảnh hưởng sản xuất và giảm đơn đặt hàng. Hơn nữa, do chuỗi cung ứng phức tạp trong ngành công nghiệp ô tô, tác động sẽ lan rộng đến nền kinh tế của các quốc gia này.
Khép lại quý I/2025, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2022, khi tình hình bất ổn xoay quanh chương trình kinh tế của ông Trump đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán Mỹ trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, trong quý vừa qua, chỉ số S&P 500 giảm 4,6%, chỉ số Nasdaq Composite hạ 10,5% và chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3%.
Riêng trong tháng Ba, cả hai chỉ số trên cũng ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022, giữa bối cảnh ông Trump áp dụng hàng loạt mức thuế mới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh lạm phát.
Giá cổ phiếu của bảy công ty công nghệ hàng đầu (Magnificent Seven), vốn là động lực chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong suốt năm 2023 và 2024, đã chịu sức ép khi các nhà đầu tư bán tháo nhóm cổ phiếu này. Trong quý, giá cổ phiếu Tesla giảm gần 36%và Nvidia giảm gần 20%.

Nguồn: VTV