Trang chủ kinh-te Rộng mở thị trường xuất khẩu vải thiều

Rộng mở thị trường xuất khẩu vải thiều

bởi Admin
0 Lượt xem

Do điều kiện thời tiết thuận lợi và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt, niên vụ vải năm nay được đánh giá là được mùa, sản lượng dự kiến tăng 30% so với năm 2024. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sản lượng vải thu hoạch năm nay dự kiến hơn 300.000 tấn.

Ngoài vùng trồng vải trọng điểm ở Bắc Giang, Hải Dương, còn có các vùng vải khác ở Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đăk Lăk… cũng đang đạt năng suất tốt, chuẩn bị cho vụ thu hoạch rộ. Hiện nay đã có 469 mã số vùng trồng, sẵn sàng xuất khẩu đi 20 quốc gia.

Tại Bắc Giang, năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700 ha, bao gồm 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Bà con nông dân đang tập trung cho những khâu chăm sóc cuối cùng, trong điều kiện ủng hộ của thời tiết.

Sau 6 tháng chờ, những cơn mưa vàng từ cuối tháng 4, cho đến cuối tuần vừa rồi đã làm hồi sinh các vườn vải ở miền Bắc. Cỏ đang được làm sạch để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Vườn được bón phân lần cuối để tạo mã đẹp và độ ngọt. Đây là thời gian quyết định chất lượng quả, nên cán bộ khuyến nông theo sát bà con, nhắc nhở tuân thủ đúng quy trình chăm sóc.

“Mã vải rất sáng, không bị nấm, đạt được mẫu mã theo chương trình Vietgab thì mới xuất khẩu được”, ông Bùi Hồng Khoa, huyện Tân Yên, Bắc Giang chia sẻ.

Ông Ngô Văn Tiệp – Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, Bắc Giang cho hay: “Chỉ đạo bà con thực hiện tốt khâu chăm sóc kỹ thuật, bảo đảm đủ tiêu chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định”.

Tân Yên – vùng vải chín sớm sẽ bước vào thu hoạch dịp cuối tháng 5 này. Dù ra hoa, đậu quả muộn hơn khoảng 7 – 10 ngày so với hằng năm, nhưng tỉ lệ cây vải đậu quả đạt trên 85% diện tích. Sản lượng tăng khoảng 500 tấn so với năm 2024. Mừng hơn cả là năm nay vùng vải Tân Yên có thêm 3 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất đi Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Huy Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Bắc Giang cho hay: “Quả vải khi đưa được vào thị trường xuất khẩu thì bà con đã liên kết thành các hợp tác xã thành các mã vùng trồng, có cùng quy trình sản xuất và chăm bón và ra sản phẩm có sự đồng đều trong một mã vùng trồng”.

Sản lượng dự kiến của vải Bắc Giang đạt 165.000 tấn, có các vùng trồng được quy hoạch theo các tiêu chuẩn Vietgab, Glogab và hữu cơ tùy theo yêu cầu của thị trường. Địa phương cũng tăng cường theo dõi sâu bệnh, áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời với phương châm lấy chất lượng và an toàn làm yếu tố cốt lõi.

Ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hướng dẫn từ người dân, các cơ sở đóng gói, các tổ chức, cá nhân làm sao hiểu biết pháp luật. Tuân thủ quy định pháp luật, gắn kết các vùng trồng, vùng nguyên liệu để chúng ta thực hiện cơ sở đóng gói”.

Từ nay đến cuối vụ, nông dân sẽ thường xuyên thăm vườn để theo dõi sâu đục cuống quả và ứng phó nắng nóng để bảo vệ năng suất. Với kinh nghiệm sản xuất, sự ủng hộ của thời tiết, thủ phủ vải thiều của cả nước, đang bước vào vụ mùa 2025 với nhiều kỳ vọng.

Rộng mở thị trường xuất khẩu vải thiều

Dự kiến 40% sản lượng vải sẽ xuất khẩu. Trung Quốc – chiếm 90% thị trường xuất khẩu, năm nay nhiều tín hiệu khởi sắc từ các thị trường mà chúng ta thăm dò từ trước đó.

Theo kế hoạch tiêu thụ vải niên vụ 2025, dự kiến 60% sản lượng được tiêu thụ nội địa qua chợ đầu mối, siêu thị, và 40% sẽ xuất khẩu. Bên cạnh bạn hàng lớn là Trung Quốc – chiếm 90% thị trường xuất khẩu, thì năm nay cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc từ các thị trường mà chúng ta thăm dò từ trước đó.

Vùng vải xã Phúc Hòa đang có 2 đơn đặt hàng lớn, 200 tấn xuất đi Hoa Kỳ và 500 tấn xuất vào châu Âu. Trước khi xuất, vải sẽ được lấy mẫu để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài việc tuân thủ các hàng rào kĩ thuật. Để các đơn hàng có thể tăng hơn về số lượng thì theo các đơn vị nhập khẩu chúng ta cần tăng sức cạnh tranh về giá, cải thiện khâu bảo quản.

“Chúng ta phải nghiên cứu để có một mức giá vừa phải đối với người dân châu Âu, chẳng hạn như quả vải với giá bằng quả chery ở bên châu Âu thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào trong 5 năm tới có thể tiêu thụ được 5.000 tấn”, ông Trịnh Minh Phương – Phó Giám đốc Công ty Movaplus cho hay.

Bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Ameii Việt Nam cho biết: “Phải duy trì làm sao chất lượng cũng như thời gian thu hoạch, thời gian bảo quản nó phải kéo dài tốt hơn nữa, lúc đấy cơ hội phát triển, mở rộng thị trường”.

Dự báo được sản lượng vải năm nay tăng mạnh, đơn vị đã sớm tăng thêm dây chuyền sơ chế, đặc biệt là nâng cấp hệ thống kho lạnh có khả năng tạm trữ hơn 5.000m3. Điều này sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân khi nông sản bước vào thu hoạch rộ, nhất là với quả vải có thời gian thu hoạch ngắn và dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Công ty VIFOCO cho hay: “Bên cạnh tại công ty, chúng tôi cũng thuê thêm các kho lạnh của các đơn vị bạn để làm sao trữ được lượng hàng để đi vào sản xuất theo đúng kế hoạch”.

Sau một thời gian dài đàm phán, bắt đầu từ niên vụ 2025, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam thực hiện giám sát xử lý với các lô hàng vải xuất khẩu sang nước này thay vì cử chuyên gia sang giám sát suốt vụ vải. Điều này đã giúp tiết kiệm không ít thời gian, kinh phí cho người trồng và xuất khẩu vải tươi. Còn với thị trường Hoa Kỳ và Australia yêu cầu chiếu sạ, Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn tất hồ sơ và được phía bạn phê duyệt cho 3 cơ sở chiếu sạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng đủ điều kiện xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Chúng tôi cũng đang đồng hành, phối hợp thêm một số doanh nghiệp nhập khẩu từ Mỹ để cùng phối hợp với các địa phương như Băc Giang, Hải Dương, Hưng Yên để có 1 cơ chế tài chính phù hợp, giúp cho việc phối hợp chặt chẽ để áp dụng biện pháp xử lý chiếu sạ này trong thời gian tới”.

4 tháng qua, xuất khẩu nông sản đạt 11,6 tỷ USD, mặt hàng trái cây tăng gần 19%. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ vùng trồng, chủ động kết nối thị trường sẽ tạo đà thuận lợi cho trái vải thiều, tiếp tục có 1 vụ mùa thành công, đóng góp kết quả tích cực cho xuất khẩu nông sản quý 2.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan