Cách đây hơn 1 năm, khi nhận thấy các sàn thương mại điện tử có xu hướng tiếp tục tăng phí, anh Hậu đã quyết định thay đổi cơ cấu kênh bán hàng. Từ 100% kinh doanh trên sàn, nhà bán mở thêm hướng phân phối hàng sỉ. Kết quả kênh này đang đóng góp một nửa doanh thu, trong khi lợi nhuận tăng trưởng gần 20% so với thời chỉ kinh doanh trên sàn.
“Giảm bớt sự lệ thuộc vào việc bỏ hết trứng vào cùng 1 rổ. Khi sàn thương mại thay đổi thì chính doanh nghiệp chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Việc chia quả trứng bỏ nhiều rổ khác nhau sẽ giúp chúng tôi có thể tồn tại được trên con đường kinh doanh”, anh Trịnh Trung Hậu, chủ Gian hàng trực tuyến Kho Hàng Đẹp chia sẻ.
Năm 2024 thị trường đã ghi nhận sự rút lui của 165.000 nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Giới phân tích cho rằng, cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử ngày càng gay gắt, những nhà bán hàng không thích ứng kịp sẽ bị đào thải, chuyển hướng. Việc các sàn vừa tăng phí, ước tính có thể đẩy tổng chi phí cho sàn lên đến 50% giá bán, sẽ càng khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Các sàn thì lại cho rằng, việc tăng phí một phần là để đảm bảo quyền lợi cho chính các nhà bán hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho hay: “Chúng tôi có điều chỉnh về phí theo định kỳ để đảm bảo quyền lợi cho những nhà bán hàng cũng như bảo đảm quyền lợi cho người mua hàng. Những nhà bán hàng địa phương, các sản phẩm thương hiệu Việt sẽ được nâng cao trình độ thông qua các chương trình tập huấn”.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết qua kiểm tra, đợt tăng phí này các sàn thương mại điện tử đều đã thực hiện công bố thông tin theo quy định. Dù vậy cơ quan này nhìn nhận, các quy định pháp luật hiện nay chủ yếu tập trung bảo vệ quyền lợi của người mua trên sàn, trong khi quyền lợi của người bán còn nhiều khoảng trống.
Ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: “Các sàn có thể ngừng cung cấp sản phẩm dịch vụ của người bán trên sàn, hoặc áp đặt những hạn chế với người bán trên sàn không thông báo lý do hoặc có thông báo nhưng với thời gian rất ngắn. Dẫn đến việc người bán không kịp phản ứng trước những yêu cầu của sàn”.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết trong dự thảo Luật Thương mại điện tử, nhà quản lý sẽ đưa nhiều quy định mới theo hướng tăng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với nhà bán, trong đó có trách nhiệm minh bạch thông tin và cung cấp các tính năng, công cụ hỗ trợ cho người bán hàng.
Cho người dùng đồng kiểm, cho người dùng đổi trả hàng trong vòng 15 ngày. Trong vòng 1 năm trở lại đây các sàn thương mại điện tử đã ra sức thể hiện là họ bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên còn một “khoảng trống” trách nhiệm mà thời gian tới các sàn thương mại điện tử sẽ phải làm tốt hơn nữa: đó là bảo vệ quyền lợi của các nhà bán hàng.
Nguồn: VTV