Trang chủ kinh-te Sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm

Sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm

bởi Admin
0 Lượt xem

Động lực mới từ tư duy mới

Dù đã có sự phát triển rất mạnh mẽ nhưng cho đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Rào cản đầu tiên nằm ở tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu để phát triển. Vì thế, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được đánh giá như động lực mới để phát triển kinh tế trong thời gian tới và định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết: “Trong những ngày qua, câu chuyện quan điểm mới của Đảng về kinh tế tư nhân là câu chuyện được cộng đồng doanh nghiệp bàn và nhắc đến nhiều nhất. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm nói về động lực phát triển mới của nền kinh tế đã cho chúng ta thấy một chiều dài lịch sử rất sâu sắc khi nhận định về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân từ những ngày tháng còn phải cố gắng để tham gia được những hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi được thừa nhận là một thành phần của nền kinh tế.

Ngày hôm nay, lực lượng kinh tế tư nhân đã được gọi là một trụ cột và quan trọng hơn nữa là một trụ cột quan trọng nhất. Đó là điều chúng tôi đã từng nói rằng, trao một niềm tin vô cùng to lớn và một sự tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Cộng đồng doanh nghiệp rất xúc động với những thay đổi lớn lao như thế này”.

Nghị quyết đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy hành chính, chuyển từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ thay vì quản lý, đảm bảo nguyên tắc thực hiện “nói đi đôi với làm”, thống nhất toàn hệ thống chính trị.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ cho biết thêm: “Trong tinh thần của Nghị quyết 68, ngoài việc nhìn nhận kinh tế tư nhân như một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế, có rất nhiều biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ và mang tính cách mạng khi liên quan đến việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân được củng cố và phát triển. Câu chuyện cũng được doanh nghiệp bàn thảo rất nhiều là chuyển từ một nền hành chính mà chúng ta hay gọi hành là chính sang trạng thái phục vụ và coi doanh nghiệp, người dân là những người bạn đồng hành.

Chúng tôi có những cuộc thảo luận và doanh nghiệp nói nếu thực sự được cởi trói, được trao một sự tự tin thì chắc việc gì cũng làm được. Nó giống như một giai đoạn trước đây, khó mấy, khổ mấy trong chiến tranh hay trong giai đoạn Covid, doanh nhân cũng luôn vươn lên và vượt qua những khúc mắc, khó khăn. Giai đoạn này nếu như được cởi trói, được tháo gỡ những rào cản, những ách tắc lâu nay mang tính chất hệ thống, chắc chắn sự vươn của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa”.

Không hình sự hoá quan hệ kinh tế – Đột phá của Nghị quyết 68

Trong những ngày gần đây, cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và người dân đặc biệt phấn khởi khi Nghị quyết 68 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận của Đảng đối với xử lý hình sự trong lĩnh vực kinh tế.

Lâu nay, các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần đề cập đến tinh thần “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”, nhưng phải đến Nghị quyết 68, lần đầu tiên đã chi tiết hóa được rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng một cơ chế, chính sách, nhằm chống hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp.

Chỉ một lĩnh vực bất động sản nhưng có tới gần 15 Luật chi phối, tác động trực tiếp, thậm chí nhiều Luật chồng chéo nhau. Theo đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chính vì chồng chéo Luật, nên nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp áp dụng Luật chưa phù hợp vướng phải những sai phạm hình sự không đáng có. Thông điệp “không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự” trong Nghị quyết 68 đang được cộng đồng doanh nghiệp xem là bước đột phá cải cách, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến: “Chồng chéo của hệ thống luật pháp và hiểu biết về luật pháp của các doanh nghiệp làm bất động sản cũng không giống nhau. Có những trường hợp làm nghiêm túc, nhưng cũng có trường hợp vận dụng khác, nên chúng tôi cho rằng quan điểm tinh thần của Nghị quyết 68 sẽ cởi trói cho bất động sản, làm cho các doanh nghiệp bất động sản tự tin hơn trong việc thực thi công việc của mình”.

Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: “Không hình sự hóa việc này cần được cụ thể hóa vào Bộ luật hình sự và các luật liên quan, vì rõ ràng kinh doanh trong việc triển khai đều mong muốn tuân thủ luật, nhưng đôi khi vấn đề hiểu luật cùng một vấn đề hiểu khác nhau đã gây khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả chính các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Giới chuyên môn nhận định, thông điệp từ Nghị quyết 68 sẽ là bước ngoặt lịch sử trong tư duy pháp lý và quản trị quốc gia.

PGS.TS. Luật học Đinh Xuân Thảo – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra ý kiến: “Người đứng đầu doanh nghiệp trong thực tế bị bắt đi tù, cuối cùng cả doanh nghiệp cũng bị tan đi. Không hình sự hóa – quan điểm của Đảng, quá trình đổi mới về tư duy và nhận thức tạo ra một động lực lớn mạnh cho việc phát triển kinh tế”.

Sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm - Ảnh 2.

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất

Sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất. Đây chính là sự thay đổi tư duy mang tính lịch sử. Ngoài việc phấn khởi đón nhận những sự thay đổi chưa từng có này, cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ Nghị quyết sớm nhất đi vào cuộc sống.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận định: “Trong rất nhiều năm qua, chúng ta nghe nhiều cụm từ rất xót xa như “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”, nên điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất là sự thay đổi mạnh mẽ về mặt nhận thức có được một sự đảm bảo nhất quán từ trên xuống dưới. Khi đọc tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 68 cũng như những bài viết gần đây của Tổng Bí thư, có một điều cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ. Đó là sự chỉ đạo của Đảng sẽ xuyên suốt trong những hoạt động để triển khai tinh thần của Nghị quyết 68.

Tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ thể chế hoá tất cả những quy định, những chỉ đạo. Như câu chuyện không hình sự hoá hoạt động dân sự kinh tế hay không thanh kiểm tra nhiều lần trong năm, chỉ một lần trong năm, thậm chí không có lần nào nếu không có dấu hiệu vi phạm. Tất cả đòi hỏi quá trình thể chế khổng lồ về mặt hoạt động.

Tới đây, sẽ có một Nghị quyết của Quốc hội để có thể đưa ngay một số điều của Nghị quyết 68 vào cuộc sống. Chúng tôi phải ghi nhận quá trình làm Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội đã tham vấn cộng đồng doanh nghiệp một cách thực sự nghiêm túc, cộng đồng thấy mình được lắng nghe, được cất tiếng nói, được bày tỏ những khó khăn, vướng mắc. Đó là điều cộng đồng doanh nghiệp mong chờ trong quá trình chúng ta chuẩn bị sửa đổi các luật và văn bản tiếp theo”.

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết của mình đã khẳng định rằng: “Đảng và Nhà nước không đứng ngoài kinh tế, mà phải chủ động thiết kế không gian phát triển, kiến tạo hệ sinh thái công bằng, bảo vệ các giá trị nền tảng của thị trường”.

Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp trên 51% GDP, hơn 82% việc làm trong xã hội. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng ta cùng tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết, sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan