Cảng cạn là nơi tập kết, làm thủ tục thông quan hàng hoá tại các địa phương không có cảng biển. Vị trí của các cảng cạn thường nằm cạnh các con sông để làm nơi trung chuyển hàng hoá container xuất nhập khẩu từ cảng biển đến các nhà máy sản xuất và quay trở lại lại. Mặc dù tận dụng được thế mạnh của đường thủy nội địa, đường sắt là vận tải hàng hoá khối lượng lớn, chi phí thấp, ít ô nhiễm nhưng sau nhiều năm quy hoạch, cho đến nay, hệ thống cảng cạn mới chỉ đảm nhận được lượng hàng rất khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển.
Cầu bến cho sà lan, bãi hàng rộng hơn 8 ha đều đã được đầu tư đồng bộ. Thế nhưng, sau hơn hai năm khai thác, cảng cạn tại Quế Võ, Bắc Ninh hiện mới đạt 30% công suất.
Mặc dù được xem là cánh tay nối dài của các cảng biển, tuy nhiên các cảng cạn nằm sâu trong nội địa hiện nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình. Điều này đặt ra bài toán sẽ cần phải tăng cường sự kết nối với các cảng biển, các hãng tàu container cũng như các chủ hàng để thu hút nhiều hơn hàng hoá về đây.
Thiếu tá Nguyễn Công Bình – Giám đốc Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ, Bắc Ninh cho biết: “Đã triển khai và mở 15 code cảng đối với hãng tàu tại Quế Võ, trong đó có 7 hãng tàu đã mở tuyến cảng đích về Tân Cảng Quế Võ làm cơ sở để chúng ta luân chuyển hàng hoá được thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí hơn”.
Cảng cạn là nơi tập kết, làm thủ tục thông quan hàng hoá tại các địa phương không có cảng biển
Cảng cạn Tân Chi, Bắc Ninh vừa được công bố lần đầu thành cảng cạn, họ đang giảm chi phí bốc xếp thấp hơn chưa bằng một nửa so với cảng biển để thu hút khách hàng, với mục tiêu năm nay sẽ tăng gấp rưỡi sản lượng so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Giám đốc Cảng cạn Tân Chi, Bắc Ninh chia sẻ: “Nâng cấp các thiết bị và đầu tư thêm hệ thống máy móc xe nâng, các hạ tầng công nghệ thông tin để làm sao kết nối trực tiếp, xử lý các vấn đề thông quan cho bên hải quan ở tại cảng”.
Anh Phạm Văn Đạt – Quản lý hàng hoá Công ty SITC Đình Vũ cơ sở Bắc Ninh nêu ý kiến: “Như ở Hải Phòng chỉ đóng trả được 1 công/ngày nhưng có thể từ cảng cạn này đi các nhà máy, một xe có thể vận hành được 3 chuyến/ngày”.
Thủ tục hải quan của hàng hoá xuất nhập khẩu có thể làm ngay tại cảng cạn. Chạy một tuyến sà lan sẽ giảm được 100 chuyến xe đường bộ. Một container đi đường thuỷ vì thế có giá cước rẻ hơn đến 40% so với đi đường bộ.
Lợi thế là vậy, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng, tăng trưởng hàng hoá qua hệ thống này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Cùng với quy hoạch chính là vai trò của các địa phương có quy hoạch cảng cạn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư và các giải pháp của địa phương để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đầu tư cũng như hoạt động nâng công suất của các cảng cạn. Hiện nay, chúng ta cũng đang đầu tư một loạt hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt chính là để tăng cường kết nối giữa cảng biển với cảng cạn”.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hơn 80% lượng hàng qua cảng cạn trên cả nước đang nằm ở khu vực phía Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp cảng khu vực phía Bắc cần hiểu đúng về vai trò của nó để cải thiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cảng cạn trong hệ thống hạ tầng logistics của Việt Nam.
17 cảng cạn vừa được công bố trên cả nước được kỳ vọng sẽ góp phần tăng hiệu quả kết nối cảng biển với nguồn hàng nằm sâu trong nội địa, rút ngắn thời gian làm thủ tục và tăng hiệu suất xử lý hàng hóa tại cảng biển. Doanh nghiệp có thể giảm bớt những chi phí không đáng có trong chi phí logistics, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá của Việt Nam.
Nguồn: VTV