Trang chủ kinh-te Tăng cường truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng

Tăng cường truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng

bởi Admin
0 Lượt xem

Không chỉ thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái còn là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng đang được đưa vào thị trường với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức, với mạng lưới phân phối len lỏi từ chợ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống pháp lý nhất định khiến việc xử lý khó khăn. Và người thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo quyết liệt: thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm truy quét hàng giả trên toàn quốc bắt đầu từ ngày hôm nay đến ngày 15/6. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 4.900 tỷ đồng và khởi tố gần 1.400 vụ án hình sự. Đặc biệt, tình trạng buôn bán hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng tinh vi, với thủ đoạn sao chép mẫu mã, giả tem, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an chia sẻ: “Công tác chỉ đạo, lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở không thống nhất và không liên thông. Cho nên, khi xảy ra các sự cố hoặc xảy ra ngộ độc thực phẩm, vấn đề quy trách nhiệm rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ: “Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, khi chuyển sang hậu kiểm, bắt buộc hành vi vi phạm và mức độ vi phạm gắn với chế tài xử lý phải đồng hành với nhau”.

Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Cần nghiên cứu để chúng ta xử phạt, giữa tỷ lệ vi phạm hoặc quy mô của người ta vi phạm theo hình thức quảng cáo, cách như vậy có thể mang tính răn đe, có tính xác thực hơn so với hành vi vi phạm”.

Ông Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nhận định: “Nghệ sỹ quảng cáo tuy nhiên bán hàng là người khác, số điện thoại là người khác khi họ thực hiện mua bán sản phẩm đó, nếu không đúng chất lượng, khiếu nại làm sao, ai trách nhiệm giải quyết cũng không xác định được. Vì vậy, cần thiết có cơ chế định danh với các tài khoản của mạng xã hội. Điều này đòi hỏi ràng buộc của các nhà mạng về các điều kiện”.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan