Cùng với các kênh phân phối truyền thống tại nội địa như các chợ, các siêu thị, cửa hàng bán hoa quả, từng địa phương cũng mở rộng độ phủ của nông sản trên các sàn thương mại điện tử để tăng doanh thu, đẩy mạnh thương hiệu nông sản Việt.
Với kinh nghiệm livestream bán vải từ năm trước, năm nay với 20.000 tấn vải sớm được thu hoạch, ông Hiển cho biết đã có kế hoạch “đưa vải lên số” để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Hiển – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang, Huyện Thanh Hà, Tỉnh Hải Dương nêu ý kiến: “Trong nước bán bằng nhiều kênh, đưa vào bán hàng online, Facebook, Zalo đối với một số khách hàng trong TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận”.
Nhận thấy tập khách hàng của mình ưa thích nông sản địa phương, nên anh Nhân cũng phối hợp với bạn bè ở các địa phương để bán sản vật vùng miền, lượng chốt đơn cả tấn hàng trong mỗi phiên livestream.
Anh Thiện Nhân – Người bán hàng trực tuyến cho biết: “Tôi đang bán ớt của Đà Lạt, bán hoa atiso, bán măng cụt của miền Tây chuẩn VietGap, cam xoàn Lai Vung…”.
Các sàn thương mại điện tử sẽ đào tạo chuyên sâu kỹ năng chốt đơn, quảng bá sản phẩm và kiểm soát tốt chất lượng hàng hoá của nhà bán
Tuy nhiên theo các nhà bán hàng, do đặc thù nông sản tươi nên việc chốt đơn, đóng gói vận chuyển hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ thông suốt, vì nếu khâu nào bị đứt gãy, sẽ rủi ro không đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Tường Thảo – Chủ cửa hàng “Món lạ vườn nhà” chia sẻ: “Hiện tại, logistics Việt Nam kết hợp với các ban ngành đã đi nhanh hơn, khoảng hai đến ba ngày, nên mình đã mở rộng được những mặt hàng đi trong 2-3 ngày. Sắp tới mình rất hy vọng, logistics sẽ mạnh hơn như từ Đà Lạt ra tới Hà Nội khoảng ngày rưỡi đến hai ngày”.
Theo thống kê, doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất đã tăng 37% trong năm ngoái. Con số cho thấy kênh bán hàng này đang ngày càng thu hút người tiêu dùng. Thuận tiện, nhưng chính việc mua bán qua nền tảng số cũng đòi hỏi người bán phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định đảm bảo chất lượng hàng hoá.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam nhận định: “Tỷ lệ hàng hóa được tiêu thụ ở trên các nền tảng thương mại điện tử trong tổng số của thị trường bản lề ở Việt Nam tăng từ 5% lên 15% và có thể sẽ lên 40-50% trong thời gian rất ngắn, giống như các nước đã đi trước”.
Các sàn thương mại điện tử cũng cho biết sẽ đào tạo chuyên sâu kỹ năng chốt đơn, quảng bá sản phẩm và kiểm soát tốt chất lượng hàng hoá của nhà bán để tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt.
Nguồn: VTV