Trang chủ kinh-te Tăng tính thanh khoản và độ hấp dẫn cho trái phiếu

Tăng tính thanh khoản và độ hấp dẫn cho trái phiếu

bởi Admin
0 Lượt xem

Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Doanh nghiệp đang được lấy ý kiến. Trên thực tế hiện nay, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ có thủ tục đơn giản mà không cần xếp hạng tín nhiệm như khi doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Do đó, sẽ cần thêm các quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh những rủi ro phát sinh từ thị trường trái phiếu.

Báo cáo từ Hiệp hội trái phiếu cho thấy, trong quý I năm nay có duy nhất một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở cả hai hình thức là riêng lẻ và phát hành ra công chúng đã giảm 31% so với cùng kỳ của năm ngoái, đạt 18.600 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, minh bạch thông tin sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn.

Hiện quy mô trái phiếu doanh nghiệp còn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 7,6% so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% của năm nay, các doanh nghiệp sẽ cần nguồn vốn lớn cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh vốn vay ngân hàng, trái phiếu sẽ là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả. Trái phiếu doanh nghiệp thường có kỳ hạn dài, 3-5 năm, thậm chí nhiều hơn, sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư ổn định.

Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: “Chúng ta muốn phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thông thường các nước sẽ phải phát triển một là thị trường quỹ đầu tư, hai là kênh trái phiếu doanh nghiệp. Đây là hai kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng”.

Tuy nhiên, hơn 92% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm ngoái vẫn là phát hành riêng lẻ. Nhiều công ty không có xếp hạng tín nhiệm. Các chuyên gia cho rằng, để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành cần những báo cáo tài chính có kiểm toán, minh bạch hơn và công khai chi tiết các mục đích sử dụng vốn.

Ông Phạm Xuân Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ: “Bản chất để có thể làm tốt được cho việc tiếp cận của doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp phải được nâng lên. Thứ hai, về mặt tài chính kế toán cũng như liên kết, báo cáo minh bạch với nhà đầu tư phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ lòng tin của thị trường mới được lấy lại. Câu chuyện hành lang pháp lý cần phải hoàn thiện tốt, đặc biệt là vấn đề chấm điểm xếp hạng đối với doanh nghiệp phải minh bạch tất cả vấn đề này thì doanh nghiệp mới tiếp cận tốt được”.

Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu ý kiến: “Ngoài ra, có những tổ chức như các quỹ đầu tư trái phiếu, họ sẽ làm trung gian để huy động được các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào quỹ trái phiếu, sau đó, quỹ đó có thể đầu tư lại vào nhóm các trái phiếu phù hợp với tiêu chuẩn của họ. Hệ sinh thái của thị trường tài chính khi phát triển lên tạo ra sự sôi động trên thị trường, làm cho cung cầu phát triển lành mạnh hơn. Từ đó khuyến khích được tăng quy mô của thị trường lên”.

Hiện quy mô trái phiếu doanh nghiệp còn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 7,6% so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Các chuyên gia nhấn mạnh cần có cơ chế mở rộng các thành viên tham gia thị trường, giúp các giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp sôi động hơn. Qua đó, tăng tính thanh khoản và độ hấp dẫn cho trái phiếu.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan