Theo Wall Street Journal, sự hạ nhiệt trong thương chiến Mỹ – Trung Quốc, gỡ bỏ phần lớn các mức thuế quan đã ngay lập tức mang đến một luồng gió mới cho nền kinh tế toàn cầu trước lo ngại về nguy cơ suy thoái. Cả giới đầu tư và các doanh nghiệp vốn đang phải chịu áp lực nặng nề từ các biện pháp trả đũa thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới giờ tạm thời “thở phào” nhẹ nhõm.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh rằng Washington đang tìm kiếm “một thỏa thuận thương mại lâu dài và bền vững” với Bắc Kinh. Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng một sự chia rẽ hoàn toàn giữa hai nền kinh tế là điều không mong muốn và “không bên nào muốn tách rời”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nâng mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%, và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các biện pháp tương tự đối với hàng hóa Mỹ. Sau cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc thống nhất hoãn một phần thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm đáng kể tổng thuế nhập khẩu, từ 145% về 30%. Trung Quốc cũng giảm thuế trả đũa với hàng Mỹ về 10% từ mức 125%. Khoảng thời gian này được thiết lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng hơn, hướng tới một giải pháp bền vững cho những bất đồng hiện tại. Đây được xem là một bước lùi đáng kể trong căng thẳng thương mại song phương.
Ngay sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, thị trường tài chính toàn cầu đã có phản ứng tích cực. Giá cổ phiếu tương lai của Mỹ tăng vọt, trong khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu cũng ghi nhận sự tăng trưởng khi các nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan trước mức giảm thuế quan lớn hơn dự kiến.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán chủ chốt như Tokyo, Thượng Hải, Đài Bắc (Trung Hoa) và Seoul đều ghi nhận mức tăng đáng kể trong phiên giao dịch ngày 13/5. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng so với USD, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với triển vọng thương mại hai nước.
Đặc biệt, tiếp sau đó, Washington giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc – trong một động thái được cho là nhằm củng cố thỏa thuận đình chiến thương mại vừa đạt được giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, thuế nhập khẩu đối với các lô hàng giá trị thấp từ Trung Quốc sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 54%, trong khi phí cố định được hạ xuống còn 100 USD.
Giới quan sát cho rằng, sự thay đổi chính sách này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tạo “khoảng thở” cho các doanh nghiệp, giúp định hình lại các quy tắc thương mại song phương. Chính sách thuế mới đối với các kiện hàng có giá trị thấp đã trở thành điểm nóng trong các cuộc tranh luận thương mại nội địa.
Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, gọi quy mô giảm thuế quan là “một viễn cảnh trong mơ”. Chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Trump còn gợi ý rằng mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc “có vẻ hợp lý”.
Giám đốc đầu tư Eric Kuby của công ty tư vấn tài chính North Star Investment Management, có trụ sở tại Chicago, Illinois (Mỹ) đánh giá đây là bước đi đúng hướng, cho thấy cả hai bên đều quan tâm đến việc đi đến kết luận mang tính xây dựng và phát triển mối quan hệ thương mại tốt đẹp. Cũng ông Eric Kuby, hướng đi này mang tính hợp tác nhiều hơn là đấu tranh và thị trường nên xem đây là tín hiệu tích cực.
Còn Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Quincy vì Trách nhiệm quốc gia, Jake Werner, cho rằng các cuộc đàm phán để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng là rất cần thiết và đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đã có thể vượt qua những khác biệt về quan điểm và mang lại hy vọng cho một tương lai ổn định và bền vững đối với kinh tế thế giới.
Có thể đánh giá, thỏa thuận hiện tại được xem là một động lực đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu nhiều tổn thất do thuế quan cao làm gián đoạn thương mại song phương, gia tăng áp lực lạm phát ở Mỹ và đe dọa động lực tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.
Cũng theo giới phân tích, đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán ngày 12/5 không chỉ đơn thuần là phản ứng trước việc tạm dừng áp thuế đối với Trung Quốc. Việc tạm thời dỡ bỏ các mức thuế quan 3 chữ số trong bối cảnh đàm phán thương mại đang diễn ra đã loại bỏ nguy cơ về một cú sốc đình lạm ngay lập tức đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây được xem là một tín hiệu tích cực lớn.
Đáng chú ý, theo giới phân tích, một yếu tố quan trọng khác đằng sau sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường là dấu hiệu cho thấy Bộ trưởng Bessent đang nắm quyền kiểm soát chính sách thương mại của Mỹ. Sự can thiệp của một nhân vật có kinh nghiệm và lý trí như ông Bessent đã mang lại niềm tin cho giới đầu tư rằng chính sách thương mại sẽ được điều hành một cách thận trọng và có tính toán hơn.
Đằng sau câu chuyện giảm thuế quan…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc thuế quan sẽ quay trở lại mức trước thời ông Trump. Bộ trưởng Bessent được cho là ủng hộ việc sử dụng thuế quan như một công cụ để đạt được các nhượng bộ từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng mục tiêu của ông chính là những cải cách sâu rộng hơn trong nền kinh tế Trung Quốc, hướng tới một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, ngay cả khi có sự đồng thuận từ phía Bắc Kinh.
Nếu những nỗ lực này thành công, và nếu các quốc gia tập trung vào xuất khẩu khác như Đức cũng có những điều chỉnh tương tự, nó có thể dẫn đến một kết quả thương mại tốt nhất, khi thâm hụt thương mại của Mỹ giảm không phải do nhập khẩu giảm mà là do xuất khẩu tăng lên. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải tăng cường tiêu dùng nội địa và Đức phải giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Một số ý kiến trong chính quyền Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Trump, trước đây đã thúc đẩy thuế quan vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm tăng doanh thu ngân sách và đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Mỹ sử dụng thuế quan như một công cụ để mở cửa thị trường nước ngoài sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn so với việc áp đặt chúng chỉ vì mục đích chính trị ngắn hạn…/.
Nguồn: VTV