Trang chủ kinh-te Thúc đẩy cải cách thể chế tạo động lực cho tăng trưởng

Thúc đẩy cải cách thể chế tạo động lực cho tăng trưởng

bởi Admin
0 Lượt xem

Tại “Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025” – GS.TS. Phạm Hồng Chương – Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá – năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức: chính sách tiền tệ thắt chặt, tình trạng nợ công dai dẳng tại nhiều quốc gia đang phát triển, bất ổn địa chính trị tiếp diễn tại một số khu vực như Trung Đông và Ukraine, sự thay đổi về bộ máy chính phủ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy vậy, việc lạm phát đã hạ nhiệt tại hầu hết các quốc gia lớn đã tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6,0 – 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam đã có một số cải thiện (tăng 5,14% trong năm 2024) nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực, GS.TS. Phạm Hồng Chương cho hay.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu quốc tế tham dự.

Khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa ước đạt tới 786,29 tỷ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham ra sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

GS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết: “Tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng”.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia thảo luận và thống nhất trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ then chốt để duy trì động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đánh giá tổng quan chung, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá quá trình đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế.

Thúc đẩy cải cách thể chế tạo động lực cho tăng trưởng - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025.Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025

TS Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho hay: “Các giải pháp, chính sách kiến nghị tại hội thảo là tài liệu quan trọng cho các cơ quan chức năng hoạch định chính sách trong giai đoạn tới”.

Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, GS.TS Tô Trung Thành – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt cần cẩn trọng sử dụng chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách lành mạnh tài chính. Đối với chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, giảm thuế có chọn lọc và tăng cường chính sách an sinh xã hội. Cần tập trung vào nội lực, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu, tập trung các ngành công nghiệp chiến lược.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan