Trang chủ kinh-te Thuế đối ứng và áp lực với kinh tế Mỹ

Thuế đối ứng và áp lực với kinh tế Mỹ

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngày 2/4 theo giờ Mỹ, tức là rạng sáng mai theo giờ Việt Nam, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố danh sách các quốc gia phải chịu mức thuế được cho là “có qua có lại” hay thuế đối ứng. Thị trường đang thận trọng theo dõi bởi quy mô các quốc gia và giá trị các mặt hàng phải chịu thuế mới dự kiến sẽ rất cao. Điều này theo các chuyên gia sẽ có tác động rất lớn, ngay cả tới thị trường Mỹ.

Theo thông tin mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch dự kiến tăng 20% thuế quan lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó mức thuế 25% sẽ được áp lên các mặt hàng ô tô nhập khẩu và sẽ có hiệu lực sau đó một ngày.

Hãng Reuters cho biết, chính quyền Mỹ dự đoán các mức thuế quan mới có thể thu lại được hơn 6.000 tỷ USD và sẽ được tính như mức hoàn thuế cho người dân Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump luôn cho rằng, các nhà sản xuất và công nhân Mỹ đã bị tổn thương do các Hiệp định thương mại tự do. Việc bùng nổ nhập khẩu theo chính quyền làm mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và thế giới, khiến thâm hụt tăng 1,2 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Nhật báo phố Wall, trong nền kinh tế thật, thuế quan là một loại thuế. Nếu bạn tăng được 600 tỷ USD/năm cho chính quyền liên bang thì đồng nghĩa nó tuột khỏi tay người dân và doanh nghiệp.

Ví dụ như nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump đánh thuế lên mặt hàng máy giặt. Giá mặt hàng này sau đó đã tăng thêm 12%, cho dù nó có đến từ nước bị đánh thuế hay không.

Chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch dự kiến tăng 20% thuế quan lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ

Nếu ngày mai, tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ đều bị đánh thuế thì đây sẽ là một sự kiện lịch sử. Và với các nhà đầu tư, các chuyên gia, điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều diễn biến khó lường.

Trang Markewatch trích lời chuyên gia kinh tế kiêm phó Chủ tịch tại Tax Foundation (Tổ chức nghiên cứu Thuế) Erica York, nếu đánh một mức thuế chung 20% thì không thể được gọi đây là thuế đối ứng, nó là một hành động thương mại khác. Hơn nữa, nếu mục đích của thuế quan là mang sản xuất về Mỹ, thì sẽ ngày càng ít hàng nhập khẩu hơn, do đó sẽ ít nguồn thu từ thuế hơn. Trong khi, các mức thuế quan sẽ làm hàng hoá nhập khẩu đắt lên, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ giảm mua. Nên việc đạt được mức thu 6.000 tỷ USD trong 10 năm có thể gặp khó khăn.

Trang tài chính của hãng Fox đưa tin, các tập đoàn hàng đầu ở phố Wall đã cập nhật dự báo của họ về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay vì lo ngại một cuộc xung đột thương mại ngày càng lan rộng có thể gây tổn hại tới tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp. Moody’s tăng khả năng suy thoái từ 15% đưa ra hồi đầu năm lên 40%. Goldman Sachs tăng lên 35%. Trong khi JP Morgan dự đoán 40% từ mức 30%.

Ngay trước ngày chính thức công bố các mức thuế quan, công cụ theo dõi Fed của CME đã cho thấy các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế phố Wall đã tăng dự báo về khả năng Fed hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 6 lên tới hơn 66% từ mức 58% của một tuần trước.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan