Trang chủ kinh-te Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng ra sao đến các nước?

Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng ra sao đến các nước?

bởi Admin
0 Lượt xem

Nhiều nước phát triển lo lắng

Theo Marcel Thieliant, giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Capital Economics: “Các nền kinh tế châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các nền kinh tế khác do thuế quan qua lại của Mỹ. Họ không chỉ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn nhiều nền kinh tế khác mà còn phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu hàng hóa của Mỹ so với hầu hết các nền kinh tế khác”.

Đơn cứ, theo nhận định của một số nhà phân tích, thuế quan toàn cầu của ông Trump gây tổn hại cho Trung Quốc bằng “sự phong tỏa toàn diện”. Nhà sản xuất đồ nội thất ngoài trời Trung Quốc Jin Chaofeng nhận định: “Thương mại nước ngoài sẽ trở thành một ngành kinh doanh “có biên lợi nhuận rất mỏng”, giống như thị trường Trung Quốc đang thiếu cầu. Thực tế cho thấy, không có quốc gia nào có thể sánh được với doanh số bán hàng hàng năm của Trung Quốc sang Mỹ là hơn 400 tỷ USD. Tổng thống Donald Trump vừa tăng thuế thêm 34% đối với những mặt hàng đó.

Thuế quan toàn diện có thể giáng một đòn mạnh vào nhu cầu toàn cầu. Trung Quốc dễ bị tổn thương trước nguy cơ suy giảm thương mại thế giới hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với tăng trưởng kinh tế năm ngoái phụ thuộc rất nhiều vào thặng dư thương mại nghìn tỷ USD .

Kaiyuan Securities dự kiến, ​​mức thuế quan mới có thể cắt giảm 30% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, cắt giảm tổng lượng hàng xuất khẩu hơn 4,5% và kéo tăng trưởng kinh tế xuống 1,3 điểm phần trăm.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các biện pháp mới của Washington có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và nỗ lực chống giảm phát của nước này. “Đây là một sự phong tỏa toàn diện đối với Trung Quốc”, Yuan Yuwei, giám đốc quỹ đầu cơ tại Water Wisdom Asset Management nhấn mạnh..

Còn theo Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh HKU: “Điều này sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng 5% trở nên bất khả thi. Trung Quốc khó có thể thoát khỏi tình trạng giảm phát trong thời gian tới”.

Thuế quan của ông Trump có thể tác động lan tỏa đối với các ngân hàng trung ương và chính phủ nhiều quốc gia. Việc phá vỡ chuỗi cung ứng trong nhiều năm đã kiểm soát giá cả cho người tiêu dùng có thể dẫn đến một thế giới mà lạm phát có xu hướng “nóng” hơn mức 2%, mức mà các ngân hàng trung ương hiện đang đồng ý là mục tiêu có thể kiểm soát được.

Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế quan toàn cầu mới 10% đối với các đối tác thương mại hàng đầu là Canada và Mexico trong khi lệnh trước đó của ông vẫn có hiệu lực, áp dụng mức thuế lên tới 25% đối với nhiều hàng hóa từ hai quốc gia này liên quan đến vấn đề kiểm soát biên giới và buôn bán fentanyl.

Đơn cử, Ngân hàng Nhật Bản sẽ phải đối diện nhiều áp lực, nhất là áp lực chống lạm phát bằng nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa khi các ngân hàng lớn khác cũng phải chịu cảnh cắt giảm lãi suất, suy giảm xuất khẩu…

Các chuyên gia cho rằng, có rất ít quốc gia có thể làm gì ngoài việc giảm thiểu tác động kinh tế và yêu cầu Washington miễn trừ. Các nhà xuất khẩu ô tô Nhật Bản bị đánh thuế suất qua lại 24%, và Hàn Quốc bị áp thuế suất 25% đã báo hiệu kế hoạch thực hiện các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Mặc dù là đồng minh của Mỹ, nhưng cả hai nước đều bị Trump chỉ trích là những nước vi phạm tồi tệ nhất về các hoạt động thương mại không công bằng.

Đối với Nhật Bản, các quan chức Nhật Bản không đưa ra dấu hiệu nào về khả năng trả đũa nhưng đặt câu hỏi liệu mức thuế quan này có phù hợp với các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới hay không và liệu một số tính toán của Mỹ về mức thuế quan của Nhật Bản có chính xác hay không. Viện nghiên cứu Daiwa ước tính mức thuế quan đáp trả 24% của Trump đối với Nhật Bản có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nước này giảm 0,6% trong năm nay, sau mức tăng trưởng ít ỏi 0,1% vào năm 2024.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Mỹ xem xét lại các biện pháp thuế quan đơn phương ở nhiều cấp độ khác nhau và chúng tôi vô cùng thất vọng và lấy làm tiếc vì các biện pháp như vậy vẫn được thực hiện. Chính phủ cũng sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ nhận được các khoản vay do nhà nước bảo lãnh”, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Yoji Muto cho biết đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phân tích tác động của thuế quan. Còn Cơ quan Dịch vụ Tài chính cho biết họ đã kêu gọi các ngân hàng đảm bảo tài chính thuận lợi cho các công ty bị ảnh hưởng bởi thuế ô tô của Mỹ.

Ở diễn biến khác, tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde đã phát biểu tại một sự kiện ở Ireland vào ngày 3/4 rằng, Châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ và đẩy nhanh các cải cách kinh tế để cạnh tranh trong cái mà bà gọi là “thế giới đảo ngược”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó, chúng tôi đang chuẩn bị các gói biện pháp tiếp theo để bảo vệ lợi ích của mình. Khối 27 thành viên đang chuẩn bị đáp trả nếu các cuộc đàm phán với Washington thất bại”.

Các nước nghèo càng thêm khó khăn

Cộng hòa Congo chủ yếu sản xuất dầu, là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 ở phía nam Sahara, chỉ sau Angola và Nigeria.

Một số mức thuế nặng nề nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nhắm vào các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Trong đó, 5 quốc gia bị Mỹ áp đặt mức thuế quan cao hơn mức tối thiểu 10% bao gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo (11%), Madagascar (47%), Mozambique (16%), Malawi (18%) và Syria (41%). Những quốc gia này nằm trong số 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới và theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, mặc dù chiếm chỉ 0,5% tổng sản lượng và thu nhập toàn cầu nhưng đây lại là nơi sinh sống của gần 40% số người nghèo trên khắp hành tinh.

Madagascar, một hòn đảo với khoảng 25 triệu người dân ngoài khơi bờ biển Nam Phi, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với hơn 80% dân số sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, kiếm được chưa đầy 2,15 USD mỗi ngày. Tổng giá trị xuất khẩu của Madagascar sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, đạt gần 800 triệu USD vào năm 2024, chủ yếu bao gồm vani, hàng may mặc, titan và coban.

Venezuela, quốc gia cũng đang phải đối mặt khủng hoảng kinh tế và thảm họa nhân đạo, phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của mình. Mỹ đã nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD hhàng hóa từ Venezuela trong năm 2024…

Các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị đàm phán

Là những nước xuất khẩu lớn sang Mỹ, được hưởng lợi khi các nhà sản xuất quốc tế dịch chuyển hoạt động sản xuất đến, một số quốc gia Đông Nam Á khác đang có kế hoạch tìm kiếm các cuộc đàm phán với Washington khi sắp phải chịu một số mức thuế quan nặng nề nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sáu trong số chín quốc gia Đông Nam Á được Trump liệt kê đã bị áp mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, từ 32% – 49%. Để so sánh, mức thuế của Liên minh châu Âu là 20%.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, bà hy vọng sẽ giảm được mức thuế 37% áp dụng cho Thái Lan – cao hơn nhiều so với mức 11% mà họ mong đợi. “Chúng ta phải đàm phán và đi vào chi tiết. Chúng ta không thể để nó đi đến mức không đạt được mục tiêu GDP”, bà nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đã tụt hậu so với các nước trong khu vực, tăng trưởng ở mức 2,5% vào năm ngoái, bị kìm hãm bởi nợ hộ gia đình tăng cao. Nước này đang hy vọng tăng trưởng 3% trong năm nay.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết, chính phủ đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán và rất hy vọng rằng chúng sẽ diễn ra tốt đẹp, trích dẫn mối quan hệ tốt đẹp của Thái Lan với Mỹ.

Malaysia, quốc gia chịu mức thuế 24%, tuyên bố sẽ không tìm cách áp thuế trả đũa và cho biết Bộ thương mại nước này sẽ tích cực làm việc với chính quyền Mỹ “để tìm kiếm các giải pháp duy trì tinh thần thương mại tự do và công bằng”.

Riêng Campuchia – nước đang phải đối mặt với mức thuế quan 49% sẽ gây tổn hại đến ngành may mặc và giày dép cũng như dập tắt hy vọng thu hút đầu tư từ các nước khác trong khu vực. Một cố vấn đầu tư giấu tên có trụ sở tại Campuchia cho biết: “Đây là “tình hình rất, rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế”. Ông nói thêm rằng “Campuchia không thể đưa ra bất cứ công cụ đàm phán nào và sẽ phải xếp hàng rất dài”./.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan