Trang chủ kinh-te Thuế quan Mỹ thay đổi liên tục: Doanh nghiệp Việt không “đứng im”

Thuế quan Mỹ thay đổi liên tục: Doanh nghiệp Việt không “đứng im”

bởi Admin
0 Lượt xem

Trong bối cảnh chính sách thương mại quốc tế thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ liên tục có những thay đổi về chính sách thuế. Có thời điểm dự kiến áp dụng mức thuế lên đến 46% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ tạm dừng áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng việc các quyết sách của Mỹ thay đổi liên tục, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần một sự chuẩn bị dài hơi và nhiều kịch bản hơn là thụ động quan sát.

Ngày 9/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ” với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo địa phương, và các nhà hoạch định chính sách. TP Hồ Chí Minh đã chủ động đưa ra những giải pháp ứng phó quyết liệt, nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề

TP Hồ Chí Minh là địa phương có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020–2024. Năm 2024, xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD – cao nhất trong 5 năm, trong khi nhập khẩu dao động từ 2,1 đến 3 tỷ USD, tạo thặng dư thương mại ổn định từ 4,1 đến 5,2 tỷ USD hàng năm. Cán cân thương mại luôn dương và tỷ lệ thặng dư cao giúp TP.Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu của cả nước trong quan hệ với Mỹ. Năm 2024 cũng là bước ngoặt khi cả xuất và nhập khẩu cùng tăng, phản ánh nền kinh tế thành phố ngày càng mở rộng và hội nhập sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử và linh kiện, ngành dệt may, cũng như ngành gỗ sẽ gặp khó khăn lớn. Ảnh minh họa

Tại hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, đã đưa ra những cảnh báo đáng chú ý về ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam. Ông cho rằng nếu mức thuế 46% được áp dụng, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của TP Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các ngành như điện tử, dệt may, gỗ, thủy sản… sẽ mất khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có mức thuế thấp hơn hoặc không có thuế suất áp dụng, như Bangladesh, Mexico hay Ấn Độ.

Ông Huy Vũ nhận định: “TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ chịu tác động trực tiếp từ quyết định của Mỹ, mà còn sẽ kéo theo tác động lan rộng đến các chuỗi cung ứng và đầu tư của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu”. Đây là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng và nhanh chóng có phương án xử lý để tránh những hậu quả không mong muốn.

Phát biểu trực tuyến tại buổi hội thảo từ Mỹ, GS. Trần Ngọc Anh, giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), phân tích chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ đã chuyển hướng từ hợp tác ngoại giao sang lợi ích thuần túy của Mỹ trong mỗi thương vụ. “Mỹ không còn xem việc áp thuế cao là biện pháp bảo hộ thông thường mà đã coi đó là một chiến thuật đàm phán”, GS. Trần Ngọc Anh cho biết. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng trong ngắn hạn, mức thuế này sẽ là một cú sốc lớn không chỉ đối với TP Hồ Chí Minh mà còn ảnh hưởng tới toàn cầu, nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận.

Những ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử và linh kiện, ngành dệt may, cũng như ngành gỗ sẽ gặp khó khăn lớn. Cụ thể, đối với ngành dệt may, việc tăng thuế sẽ khiến hàng Việt Nam mất sức cạnh tranh so với các quốc gia khác, dẫn đến việc giảm đơn hàng từ thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong khi đó, ngành điện tử cũng sẽ phải đối mặt với việc giảm đầu tư và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động từ thuế quan.

Quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Từ góc độ giải pháp, hội thảo đã thảo luận về các phương án chủ động và đồng bộ để ứng phó với tác động của rào cản thuế quan này. Theo ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc đánh giá tác động và chuẩn bị phương án ứng phó là cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, đặc biệt khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang đối mặt với rào cản thuế quan ngày càng siết chặt. Ông Được khẳng định: “TP Hồ Chí Minh cam kết và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp đối ứng với khó khăn trước mắt, đồng thời gia tăng khả năng mở rộng thị phần.”

Thuế quan Mỹ thay đổi liên tục: Doanh nghiệp Việt không đứng im - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, khẳng định, TP Hồ Chí Minh cam kết và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp đối ứng với khó khăn trước mắt.

Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại hội thảo là tăng cường đàm phán song phương với Mỹ để giảm thuế, nhằm đưa mức thuế đối ứng từ 46% xuống còn khoảng 18–25%. Đây là một mục tiêu cần thiết để giảm thiểu tác động xấu đối với các doanh nghiệp và ngành xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, việc kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề gian lận xuất xứ cũng được các chuyên gia nhấn mạnh, nhằm bảo vệ uy tín quốc gia và làm rõ nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh rằng thành phố cần phải tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Ông cho biết TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như châu Âu, Canada, Mexico, và các quốc gia Trung Đông. “Chúng ta cần mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng trong khối ASEAN, RCEP, CPTPP và tận dụng các cơ hội từ các FTA”, ông Vũ nói.

Về dài hạn, TP.Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch phát triển các khu thương mại tự do (FTZ) nhằm thu hút FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là một bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của TP.Hồ Chí Minh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, việc cải thiện hạ tầng logistics và thúc đẩy tiêu dùng nội địa cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ.

Một điểm quan trọng được các chuyên gia lưu ý là trong mọi nguy cơ đều ẩn chứa những cơ hội. Nếu TP Hồ Chí Minh biết tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu lại thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực, thành phố không chỉ có thể vượt qua rào cản thuế quan mà còn có thể định vị được một vị thế vững vàng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

GS Trần Ngọc Anh cho rằng mặc dù thuế quan cao có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng việc duy trì kết nối với thị trường Mỹ vẫn là rất quan trọng. Mỹ là trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu – hai yếu tố mà Việt Nam không thể bỏ qua. Đó là lý do mà việc duy trì kết nối với thị trường Mỹ không chỉ vì xuất khẩu mà còn là cơ hội để tiếp cận vốn, công nghệ và thu hút các chuỗi giá trị cao.

“Việt Nam phải nhìn nhận chính sách thuế quan của Mỹ không chỉ là khó khăn, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm”, GS. Trần Ngọc Anh nhận định.

Trước tác động mạnh mẽ từ chính sách thuế quan của Mỹ, TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của việc có một chiến lược ứng phó đồng bộ và hiệu quả. Việc tăng cường đàm phán song phương, cải thiện cơ sở hạ tầng, và đa dạng hóa thị trường sẽ là những giải pháp quan trọng giúp thành phố vượt qua khó khăn này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải đoàn kết, quyết liệt triển khai các giải pháp để không chỉ bảo vệ được lợi ích hiện tại mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Mời độc giả đón đọc Bài 2 với những thông tin quan trọng về cách các doanh nghiệp trong các ngành hàng xuất khẩu đang ứng phó trước mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng. Cùng tìm hiểu những chiến lược và giải pháp mà Hiệp hội doanh nghiệp đưa ra để duy trì sức cạnh tranh và ổn định thị trường xuất khẩu trong bối cảnh chính sách thuế quan mới.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan