Chính phủ Ấn Độ hôm qua đã công bố áp dụng thuế tự vệ tạm thời 12% trong vòng 200 ngày đối với 5 loại sản phẩm thép phẳng, bao gồm cuộn cán nóng, thép tấm, thép mạ kim loại và thép mạ màu. Quyết định này là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước làn sóng nhập khẩu tăng mạnh.
Thuế áp dụng với hàng nhập khẩu có giá dưới mức giá sàn CIF từ 675 USD/tấn đến 964 USD/tấn, nhằm ngăn chặn việc thép giá rẻ tràn vào thị trường nội địa. Giá CIF là mức giá được tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu, nghĩa là bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng hóa được giao tại cảng của bên mua theo quy định.
Biện pháp thuế tự vệ, được cho là khẩn cấp và tạm thời, được đưa ra để “tạo không gian” cho ngành thép nội địa trong bối cảnh dư thừa công suất tại các nước châu Á đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ.
Trong giai đoạn điều tra từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, lượng thép nhập khẩu vào Ấn Độ đã tăng gần gấp ba lần, từ 2,29 triệu tấn lên 6,61 triệu tấn, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của các nhà sản xuất thép trong nước.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp sử dụng thép và các nhà xuất khẩu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vốn lo ngại giá nguyên liệu thô sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế. Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cảnh báo việc áp thuế có thể đẩy giá thép tăng thêm từ 60-70 USD/tấn, gây thêm khó khăn cho ngành xuất khẩu kỹ thuật, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thuế thép 25% của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cho biết sẽ xem xét lại chính sách, nhằm cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Nguồn: VTV