Cá rô phi sinh trưởng chủ yếu trong môi trường tự nhiên. Tại Cà Mau, loài thủy sản này phát triển khá mạnh trong hệ thống nuôi tôm quảng canh. Không chỉ giúp xử lý môi trường nước trong ao, cá rô phi còn giúp bà con nông dân có thêm thu nhập.
Miếng vuông khoảng 2 ha của ông Quý là nơi cá rô phi sinh sản nhiều vì mặt vuông có nhiều cỏ, năn tượng, gốc rạ… Bình quân một năm bà con sẽ thuốc cá 1 lần để thả tôm.
Ngoài thuốc cá, hình thức đuổi lưới cá phi cũng khá thông dụng để thu hoạch. Sau khi bơi xuồng ra vuông, bà con bắt đầu giăng lưới trên mặt nước rồi bắt đầu đuổi lưới. Với cách truyền thống dùng cây sào để đập nước cho cá rô phi chạy vào lưới.
Mỗi lần giăng lưới có thể thu hoạch từ 5 đến 10 kg cá rô phi/1.000 m2. Hiện loại cá này được bán với giá từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/kg.
Ngoài giăng lưới, bà con cũng có thể bắt cá rô phi bằng cách đặt lờ, đặt lú…Loại thủy sản này được xem là thực phẩm sạch, sống trong môi trường tự nhiên nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, dùng làm khô, làm chả, chế biến nhiều món ăn khác…
Không chỉ người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, cá rô phi ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường cá trắng toàn cầu. Theo dự báo của Research and Markets, thị trường cá rô phi sẽ đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn là 3,5%.
Nắm bắt nhu cầu này, tại Sóc Trăng đang có đơn vị đầu tư nhà máy chế biến cá rô phi xuất khẩu với công suất 200 tấn/ngày, dự kiến tháng 7 tới sẽ đưa vào hoạt động. Trong các mô hình nuôi đã thử nghiệm tại Sóc Trăng, có thể tận dụng các mô hình trước đây nuôi tôm công nghiệp: từ máy cho ăn, quạt chạy oxy, ao lót bạt, quản lý môi trường nước. Hình thức nuôi cá 2 giai đoạn cũng giống tôm.
Nguồn: VTV