Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cho biết đã rút lại một cặp thư giám sát quy định rằng các ngân hàng phải xin phép cơ quan quản lý trước khi tham gia vào các hoạt động liên quan đến tài sản tiền điện tử và tiền ổn định.
Ngoài ra, Fed đã cùng với Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ rút lại cặp tuyên bố năm 2023 kêu gọi các ngân hàng cảnh giác với các rủi ro liên quan đến tiền điện tử.
Theo hướng dẫn trước đó, các cơ quan quản lý đã cảnh báo các ngân hàng phải cảnh giác với sự biến động, bất ổn pháp lý và rủi ro thanh khoản khi cân nhắc có nên cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử hay tiếp nhận các công ty tiền điện tử làm khách hàng hay không.
Việc hủy bỏ hướng dẫn đó đánh dấu động thái mới nhất của chính quyền ông Trump nhằm đưa ra lập trường thân thiện hơn với tiền điện tử. Trong tuyên bố công bố những thay đổi, Fed cho biết các cơ quan quản lý sẽ xem xét liệu hướng dẫn mới để “hỗ trợ đổi mới, bao gồm các hoạt động liên quan đến tài sản tiền điện tử, có phù hợp hay không”.
Vào tháng 3, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ của Hoa Kỳ (OCC) – là cơ quan quản lý đầu tiên của Hoa Kỳ có động thái giúp các ngân hàng dễ dàng tham gia vào các hoạt động tiền điện tử hơn, tương tự như động thái hủy bỏ hướng dẫn được ban hành dưới thời chính quyền trước, kêu gọi các ngân hàng thận trọng trong lĩnh vực này.
Trước đó, ngày 23/4, theo tin tức được đăng tải trên website của đồng $Trump, Tổng thống Donald Trump sẽ tổ chức một bữa tối đặc biệt dành riêng cho 220 người nắm giữ lượng token TRUMP lớn nhất. Không chỉ vậy, trong số những người tham gia sẽ có 25 người may mắn được tham gia tiệc chiêu đãi đặc biệt và một chuyến tham quan Nhà Trắng vào hôm sau.
Thông tin trên đã khiến đồng memecoin này bùng nổ, tăng vọt 52% chỉ trong vài giờ. Từ mức giá khoảng 9 USD, TRUMP đã nhanh chóng vượt ngưỡng 13,50 USD, đưa vốn hóa của nó lên mức 2,6 tỷ USD. Đây không phải là một con số nhỏ. Vốn hóa này còn cao hơn nhiều dự án tiện ích thực sự trong không gian blockchain như Arbitrum, Jupiter hay thậm chí là Maker – những dự án đã chứng minh giá trị thực tế với hàng tỷ đô la tài sản bị khóa (TVL) và hàng chục triệu USD phí giao dịch được tạo ra mỗi tháng.
Trong cộng đồng tiền mã hóa, thông tin về “bữa tối Tổng thống” này được đón nhận với nhiều phản ứng trái chiều. Một số người xem đây là dấu hiệu của “kỷ nguyên vàng” cho tiền mã hóa dưới thời Trump – khi chính Tổng thống Mỹ công khai ủng hộ một token. Những người khác lại cho rằng đây chỉ là một chiêu PR ngắn hạn, khó có thể duy trì đà tăng lâu dài.
Trên thế giới, các quốc gia đang dần hình thành khung pháp lý rõ ràng hơn cho tiền tệ kỹ thuật số. Một số quốc gia có xu hướng “siết chặt” quản lý để bảo vệ nhà đầu tư và ngăn chặn rửa tiền (Ví dụ: Hàn Quốc đã tăng cường kiểm soát các sàn giao dịch tiền điện tử), trong khi những quốc gia khác lại có thái độ cởi mở hơn, coi tiền điện tử là một phần của tương lai tài chính (Ví dụ: Singapore đang thử nghiệm các giải pháp thanh toán bằng tiền điện tử).
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự “đổi chiều” đáng kinh ngạc từ các “ông lớn” tài chính truyền thống. Nhiều ngân hàng đầu tư và quỹ quản lý tài sản lớn đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, từ lưu ký đến giao dịch, ví dụ: Goldman Sachs đã mở rộng dịch vụ giao dịch Bitcoin cho khách hàng tổ chức. Thậm chí, một số công ty còn đưa bitcoin vào bảng cân đối kế toán của mình, ví dụ MicroStrategy tiếp tục mua thêm Bitcoin…
Nguồn: VTV