Với nỗ lực đàm phán từ năm 2018, sau Nghị định thư xuất khẩu tổ yến năm 2022, ngày 15/4 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư với nhiều điểm mới chấp thuận xuất nhập khẩu cả tổ yến thô và yến tinh để có thể đưa yến trở thành ngành hàng tỷ đô. Việc triển khai hiệu quả Nghị định thư quan trọng này đang cấp thiết đặt ra cho các bên.
Nghị định thư mới đã bổ sung thêm cả hai chỉ tiêu virus là cúm gia cầm và Newcastle. Theo đó, tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được xử lý để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm không thấp hơn 70 độ C và duy trì trong ít nhất 3,6 giây để đảm bảo diệt virus hiệu quả. Ngoài ra, thị trường còn yêu cầu chỉ tiêu nhôm phải dưới 100 mg/kg mẫu thô. Ngay lúc này, việc bổ sung nhiệm vụ quản lý, hoàn thiện hạ tầng nuôi, chế biến và đặc biệt là khả năng xét nghiêm các chỉ tiêu mới như nhôm phải được cụ thể hóa.
Bà Trần Thị Thu Phương – Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Các phòng thí nghiệm trong hệ thống của chúng tôi xây dựng phép thử cũng như chuẩn bị các nguyên vật liệu để có thể xét nghiệm được chỉ tiêu nhôm. Rất mừng là đến nay phòng thí nghiệm của chúng tôi đã hoàn toàn xét nghiệm được chỉ tiêu này”.
Cùng với đáp ứng tiêu chuẩn, việc nâng cao khả năng cạnh tranh với tổ yến từ Malaysia, Indonesia là rất cấp thiết ngay từ thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu yến Avenest chia sẻ: “Trong thời gian qua, chúng tôi có những giám sát về an toàn dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm một năm hai lần. Hiện tại, với mức giám sát như thế sẽ tăng lên chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp. Trong thời điểm này, vấn đề xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, nước bạn đang so sánh chúng ta về giá giữa Indonesia và Malaysia”.
Ông Hồng Đinh Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nêu ý kiến: “Mặc dù thị trường xuất khẩu tổ yến thô rất tốt nhưng hiện nay, trên toàn bộ đất nước Trung Quốc rộng lớn, chỉ có một số doanh nghiệp có nhu cầu mua tổ yến thô. Như vậy, ba quốc gia nhưng chỉ bán cho vài doanh nghiệp”.
Tuy còn nhiều thách thức nhưng với gần 30.000 nhà yến trải dài tại 4 vùng kinh tế, yến sào Việt vẫn có ưu thế so với các nước về hương vị. Từ năm 2018, với việc đưa nghề nuôi yến vào Luật chăn nuôi đã là cơ sở pháp lý để các bên nhanh chóng chuẩn hóa từ nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu.
Nguồn: VTV