Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm 2025 này. Đâu sẽ là những động lực chính để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện thực hóa mục tiêu này? Vai trò của công nghệ, cũng như quan hệ thương mại với ASEAN sẽ được Trung Quốc định hình ra sao trong giai đoạn sắp tới? Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Hứa Khâm Đạc – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu chính sách Pangoal có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
* Thưa ông, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Vậy đâu sẽ là động lực chính để Trung Quốc có thể đạt được con số này?
Ông Hứa Khâm Đạc: Để đạt mục tiêu tăng trưởng này thì chúng tôi nhìn nhận là năm nay còn nhiều thử thách hơn năm trước vì những bất ổn thương mại, địa chính trị toàn cầu. Nhưng Trung Quốc vẫn đang ứng phó một cách hiệu quả với những áp lực bên ngoài này.
Báo cáo Chính phủ mới đây cho thấy, Trung Quốc đang mạnh mẽ chuyển mình từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, sang một nền kinh tế chú trọng vào tiêu dùng nội địa, đổi mới sáng tạo và sản xuất công nghệ cao trong nước. Bạn có thể thấy rõ điều này trong những đột phá công nghệ gần đây của Trung Quốc, có thể kể tới Deepseek, xe chạy bằng năng lượng điện, cũng như chuỗi sản xuất pin mặt trời.
Về tiêu thụ nội địa, Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ người dân để tạo động lực cho người tiêu dùng có thể an tâm chi tiêu, không chỉ tiết kiệm tiền trong tài khoản.
Còn về cấp địa phương, có thể kể tới chính sách phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn siêu dài 50 năm. Như vậy, chính quyền các địa phương có thể được giảm bớt áp lực nợ khi vay vốn đầu tư vào các dự án quan trọng của địa phương mình. Các chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cũng hướng tới việc thúc đẩy phát triển khối kinh tế tư nhân.
* Ông có đề cập tới mục tiêu phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Vai trò của công nghệ cũng như quan hệ thương mại của ASEAN sẽ được Đảng, Chính phủ Trung Quốc định hình ra sao trong giai đoạn sắp tới?
Ông Hứa Khâm Đạc: Tôi cho rằng, chúng ta có thể nhìn vấn đề này theo một hướng khác đó là không có cuộc đua cụ thể với quốc gia nào cả. Phát triển công nghệ là một nhu cầu tất yếu khi một quốc gia phát triển cả về GDP và dân số như Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động như hiện nay, Trung Quốc cũng khó có thể hoàn toàn dựa vào những linh kiện, sản phẩm công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Vì lẽ đó mà Bắc Kinh đặt mục tiêu phát triển những công nghệ đó trong nước.
Giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại thuộc ASEAN có mối quan hệ rất chặt chẽ trong những lĩnh vực công nghệ như thương mại điện tử. Khách du lịch đã hoàn toàn có thể thanh toán nhanh chóng thông qua các ứng dụng quét mã phổ biến như Alipay, Wechat – giảm bớt những rào cản thanh toán giữa người dân các nước.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng cơ sở, đặc biệt là những tuyến đường sắt kết nối các tỉnh thành lớn, các khu đô thị sầm uất của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, sẽ thúc đẩy việc vận chuyển hàng hoá.
Thị trường Trung Quốc cũng rất đón chào các sản phẩm nông sản từ Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, đây đều là những sản phẩm chất lượng cao. Tất cả những lĩnh vực này đều đang góp phần tạo ra những lợi ích kinh tế hài hoà cho tất cả các bên.
Nguồn: VTV