Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất”, là lực lương tiên phong, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. Điều này, đang được kì vọng sẽ tạo nên xung lực mới, sức sống mới cho khu vực kinh tế này cũng như của cả nền kinh tế.
Vai trò của kinh tế tư nhân càng ngày càng được khẳng định. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, người chắp bút cho Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và là kiến trúc sư trưởng cho Luật doanh nghiệp (1999) – những đạo luật quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển chiêm nghiệm: Cứ sau mỗi lần Đảng, Nhà nước có những đánh giá mới, khách quan về kinh tế tư nhân thì thành phần kinh tế này lại có thêm những điều kiện để đóng góp nhiều hơn cho phát triển.
“Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay đổi cách nhìn về kinh tế tư nhân, tức là cách nhìn động. Nhìn vào tiềm năng của kinh tế tư nhân đây có thể nói đây là thời kì có 1 không 2, mà bây giờ không làm được thì khó có thời kì nào làm được”, TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (trước đây) nhận định.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đánh giá: “Doanh nghiệp tư nhân lâu nay đã tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó, không phải đến lúc này họ mới suy nghĩ về việc có dám làm hay không”.
Sau 40 năm đổi mới, từ một thành phần không được thừa nhận, đến nay kinh tế tư nhân đang đóng góp 51% GDP, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Sau 40 năm đổi mới, từ một thành phần không được thừa nhận, đến nay kinh tế tư nhân đang đóng góp 51% GDP, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực này cũng là nơi tạo việc làm chủ yếu và là đầu tàu trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Tuy nhiên để giữ vai trò tiên phong, kinh tế tư nhân vẫn cần có thêm các điều kiện. Nhất là khi chiếc áo về thể chế và chính sách cho khu vực kinh tế này đã trở nên chật chội.
TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (trước đây) nêu ý kiến: “Phải bỏ đi rất nhiều luật, rất nhiều quy định, phải tạo được tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, bảo đảm và bảo vệ tài sản của người đầu tư”.
Sắp tới, một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ được Bộ Chính trị ban hành. Cùng với đó là thể chế và những chính sách đột phá để khu vực kinh tế này bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận với các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ. Khi đấy kinh tế tư nhân sẽ thực sự là một đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.
Nguồn: VTV