Sau giai đoạn thí điểm năm 2003 cho 7 doanh nghiệp FDI đầu tiên lên sàn, hiện bức tranh cũng không mấy khác biệt. Khi mà số lượng doanh nghiệp FDI đã từng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng chỉ dừng ở con số 11, một con số rất khiêm tốn so với tổng số gần 1.600 doanh nghiệp trên sàn hiện nay. Thu hút và mở rộng nhóm doanh nghiệp này lên sàn là bài toán cần sớm tìm lời giải, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì rất cần các sản phẩm đầu tư trên thị trường tài chính tương đồng trong khu vực.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Công nghiệp Ngũ Kim Fortress có lẽ là mã chứng khoán mới nhất của một doanh nghiệp FDI trên sàn UPCOM. Nhưng cũng là câu chuyện diễn ra từ cách đây 4 năm.
Sau giai đoạn thí điểm từ năm 2003 cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chào sàn, số lượng doanh nghiệp FDI trên sàn vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp FDI lên sàn xong kinh doanh kém hiệu quả, giá cổ phiếu “tụt dốc”, có lẽ đã trở thành một rào cản, làm chậm quá trình cổ phiếu được niêm yết.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Mirae Asset cho biết: “Theo tôi vẫn đang có lo ngại rằng các doanh nghiệp FDI sử dụng việc lên sàn như một chiến lược “thoái lui”, có nghĩa là sau khi niêm yết, các cổ đông lớn này sẽ bán hết phần vốn đầu tư và rút về nước”.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp FDI lên sàn xong kinh doanh kém hiệu quả, giá cổ phiếu “tụt dốc”
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hoá của các doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chỉ khoảng 0,3% tổng vốn hoá toàn thị trường.
Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý để sớm thu hút thêm doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ giúp gia tăng quy mô vốn hoá cho thị trường chứng khoán, cũng như giúp cho hàng hoá trên thị trường được đa dạng hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSIAM chia sẻ: “Chúng ta cần xây dựng một cơ chế để doanh nghiệp FDI được niêm yết tại thị trường Việt Nam. Tại thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có khung pháp lý, nói đúng hơn là chúng ta chưa có hướng dẫn chi tiết để cho phép họ niêm yết và huy động vốn tại thị trường Việt Nam”.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Mirae Asset nhận định: “Kiểm soát phần vốn của các chủ sở hữu qua VSD để họ không bán được phần này, kiểm soát 5-10 năm tùy vào tình hình của công ty. Điều này để đảm bảo tính an toàn cho cổ đông vì các công ty này vẫn phải tiếp tục làm ăn kinh doanh nghiêm túc sau khi lên sàn. Trong ngắn hạn cho phép họ phát hành các cổ phiếu mới không liên quan đến phần vốn chủ sỡ hữu”.
Các thị trường chứng khoán trong khu vực như Thái Lan, Singapore, thậm chí áp dụng các điều kiện chung cho các doanh nghiệp muốn niêm yết, không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước. Nhưng đồng thời áp dụng các cơ chế giám sát rất nghiêm ngặt để hạn chế rủi ro.
Các định chế tài chính cho rằng, cơ chế mở cho các doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với thông lệ khu vực và quốc tế, góp phần hoàn thiện thị trường vốn – một trong ba cấu phần quan trọng của một trung tâm tài chính quốc tế.
Nguồn: VTV