Cụ thể, tại thời điểm 15 giờ 10 phút, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 99,9 – 102 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên đầu giờ chiều nay (lúc 2 giờ 15 phút); tăng 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 99,2 – 101,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra so với chốt phiên đầu giờ chiều nay; tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 99,7 – 101,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên đầu giờ chiều nay; tăng 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,7 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng 33,8 USD/ounce ngay thời điểm trưa 9/4, khi mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, lúc 12h30 trưa nay, giá vàng thế giới ở 3.016,5 USD/ounce.
Những ngày gần đây giá vàng thế giới liên tục đánh võng biên độ lớn, từ 3.020 USD/ounce vòng về 2.960 – 2.970 USD/ounce sau đó lại bật lên.
Các chuyên gia phân tích cho rằng giá vàng thế giới đang được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và nhu cầu phòng ngừa rủi ro do cuộc chiến thương mại leo thang.
Hôm nay mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực. Trong đó tổng mức thuế quan 104% cũng sẽ có hiệu lực với Trung Quốc.
Vàng vẫn có thể chịu điều chỉnh bất ngờ
Giá vàng thế giới trong tuần này từ 8-14/4 được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, dẫn đến khả năng biến động mạnh. Hiện tại, giá vàng giao ngay dao động quanh mức 3.010-3.030 USD/ounce, nhưng xu hướng có thể thay đổi tùy thuộc vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.
Những mức thuế quan trả đũa qua lại giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với các dữ liệu kinh tế sắp công bố từ Mỹ và các tín hiệu chính sách tiền tệ từ biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI)… sẽ tác động tới xu hướng giá vàng.

Ngoài ra, nếu các số liệu cho thấy lạm phát tăng cao hoặc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu thận trọng về việc cắt giảm lãi suất, giá vàng có thể chịu áp lực giảm, thậm chí lại trở lại xuống dưới mốc 3.000 USD/ounce. Ngược lại, nếu lạm phát dịu đi hoặc Fed nghiêng về chính sách nới lỏng, vàng có thể phục hồi và tiến tới mức 3.100 USD/ounce.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, đặc biệt sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc không trì hoãn áp thuế, cũng là yếu tố quan trọng. Bất ổn này thường thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, hỗ trợ giá vàng tăng.
Dù vậy, những cú tụt giảm trên các thị trường chứng khoán, tiền số, hàng hóa (dầu khí… ) có thể khiến vàng giảm theo.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng có thể dao động trong biên độ 2.960-3.100 USD/ounce. Dù vậy, việc chốt lời từ các nhà đầu tư lớn cũng có thể gây ra những đợt điều chỉnh giảm bất ngờ.
Nguồn: VTV