Trang chủ kinh-te Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố hình thành trung tâm tài chính

Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố hình thành trung tâm tài chính

bởi Admin
0 Lượt xem

Thông tin trên là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương liên quan về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam mới đây. Trung tâm tài chính là một mô hình tồn tại hàng trăm năm trên thế giới nhưng vẫn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là một môi trường sinh thái tổng thể. Trên thế giới có những mô hình trung tâm tài chính là cả thành phố như Tokyo, New York, London. Hoặc cũng có thể là một đặc khu trong thành phố, được phân cách bằng ranh giới địa lý như DIFC của Dubai. Đây là nơi tập trung các chủ thể tham gia dịch vụ tài chính từ ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các startup công nghệ tài chính, cả ở trong và ngoài nước.

Việc xây dựng các trung tâm tài chính là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và được kỳ vọng tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là “cú hích” mạnh đối với nền kinh tế đất nước.

Hơn 476 tỷ USD là quy mô tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2024, xếp hạng 34 thế giới. Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất khu vực. Những yếu tố trên là cơ sở để xây dựng và hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam.

“Đấy chính là kênh huy động vốn, nhất là vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, trong bối cảnh chúng ta rất cần những nguồn vốn cho phát triển hạ tầng. Thứ hai là cũng đem lại nguồn thu tài chính khá lớn thông qua việc chúng ta cung cấp các dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác liên quan”, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách nhận định.

TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam xác định xây dựng một trung tâm tài chính duy nhất, đặt ở hai nơi là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là mô hình hợp lý, thay vì thành lập 2 trung tâm độc lập.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết thí điểm triển khai sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam. Từ đó, Nhà nước sẽ có điều kiện đánh giá thực tiễn, kiểm soát rủi ro, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư cũng như tận dụng hiệu quả nguồn lực từ kinh tế số.

Tự do hóa dòng vốn trong trung tâm tài chính

Để huy động được các nguồn lực quốc tế thì chính thị trường vốn của Việt Nam cũng cần mở rộng. Bên cạnh việc hình thành thêm nhiều nguồn cung sản phẩm tài chính, thu hút thêm nhiều chủ thể tham gia vào trung tâm tài chính, việc tự do hoá luân chuyển dòng vốn là một yêu cầu quan trọng.

Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách cho biết: “Việt Nam kiểm soát khá chặt chẽ. Ví dụ muốn chuyển khoản tiền lớn ra bên ngoài thì phải chứng minh xuất xứ, chứng minh nguồn gốc, thậm chí phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Thứ hai, nếu chúng ta mang một lượng tiền mặt ra ngoài biên giới thì cũng không được đem quá một hạn mức nhất định. Các nước hiện nay cũng khá thận trọng để đảm bảo không phải tài trợ khủng bố. Đây là rủi ro chúng ta cũng phải tính đến”.

“Những quy định để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào trung tâm tài chính thì cần nới lỏng. Ví dụ trong khuôn khổ của trung tâm tài chính, chúng ta không giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, TS Lê Thị Thùy Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách kinh tế – tài chính nêu ý kiến.

Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố hình thành trung tâm tài chính - Ảnh 2.

Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch

Mô hình đang được đề xuất để vận hành trung tâm tài chính ở Việt Nam bao gồm 4 cơ quan: Ban chỉ đạo Trung tâm tài chính; Cơ quan quản lý trực tiếp điều hành hoạt động; Cơ quan giám sát; Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Riêng về cơ chế giải quyết tranh chấp, trên thực tế, hiện nay, Việt Nam đã có trung tâm Trọng tài Quốc tế. Thống kê từ năm 1993 đến hết 2023 cho biết, cơ quan này đã thụ lý hơn 2.900 vụ tranh chấp, 22% trong số đó có yếu tố nước ngoài. Tỷ lệ này của Trung tâm Trọng tài quốc tế của Singapore hoặc của Hong Kong (Trung Quốc) dao động 70 – 80%.

Mặc dù, chi phí trọng tài tại các trung tâm này cao gấp 3 – 4 lần so với Việt Nam, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực vẫn lựa chọn. So sánh vậy để thấy, một trung tâm tài chính hoàn thiện và toàn diện cần có một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế uy tín.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng một trung tâm trọng tài độc lập, có cơ chế đặc biệt để giảm tối đa thời gian giải quyết tranh chấp tại trung tâm tài chính. Nơi này cũng cần vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, có những chuyên gia quốc tế để tạo uy tín.

Bốn trung tâm tài chính lớn nhất của thế giới gồm: London, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, New York. Đây cũng là bốn địa điểm giải quyết tranh chấp thương mại uy tín hàng đầu. Bởi lẽ cả bốn đều áp dụng, hoặc dựa trên hệ thống có nhiều điểm chung với thông luật Anh (common law) – một hệ thống pháp luật lâu đời, được xây dựng trên vô số án lệ và luật thành văn.

Điều này không có nghĩa cứ phải áp dụng luật của Anh mới thành trung tâm tài chính. Tuy nhiên, khi chúng ta xây dựng quy định, luật lệ cho mô hình này cũng có thể tham khảo những ưu điểm từ thông luật của Anh. Đồng thời, hệ thống pháp luật của trung tâm tài chính cũng phải có những phán quyết trọng tài công bằng ở các nơi khác trên thế giới được thực thi một cách hiệu quả.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng. Tăng cường tính minh bạch, hiệu lực hiệu quả của toà án kinh tế, trọng tài thương mại cũng là vấn đề được đặt ra tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Một trung tâm tài chính không phải được xây dựng nên chỉ bằng những cao ốc hay đại lộ hào nhoáng. Trung tâm tài chính được quyết định bằng sự hoàn thiện bên trong và uy tín của hệ thống pháp luật.

Tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc thành lập trung tâm tài chính để trình ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan