Trên 120 tỷ USD, tương đương trên 3 triệu tỷ đồng được giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam mỗi năm. Và có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hoá này. Có thể nói một nguồn lực kinh tế rất lớn, nhiều tiềm năng đối với nền kinh tế nhưng lại đang âm thầm diễn ra và chưa được quản lý.
Điều này có nghĩa là hiện chúng ta chưa thu được một đồng thuế nào từ các giao dịch này. Một cuộc Hội thảo với sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.
Các đại biểu thống nhất rằng, bên cạnh việc sớm xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản mã hóa, cũng đã đến lúc Việt Nam cần thí điểm xây dựng sàn giao dịch tài sản mã hoá với sự quản lý của các cơ quan chức năng để giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo minh bạch và an toàn tài chính quốc gia.
Ông Wayne Huang – Giám đốc Điều hành Công ty XREX cho biết: “Năm 2023, chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Đài Loan (Trung Quốc) để đóng băng khoản tiền lừa đảo lên đến 350 triệu USD. Nhờ ứng dụng công nghệ blockchain, các sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung có thể truy xuất được nguồn gốc và đóng băng được các khoản tiền có dấu hiệu phạm pháp”.
Vì lợi nhuận, vì những giấc mơ làm giàu bằng tiền kỹ thuật số, nhiều người đã mất hàng chục tỷ đồng tiền thật
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Singapore hay Hàn Quốc. Theo đó, các sàn giao dịch tài sản mã hóa khi đăng ký hoạt động phải đảm bảo minh bạch tài chính. Các sàn giao dịch quốc tế lâu năm đã được cấp phép tại thị trường lớn cũng có thể xem xét cấp phép cho hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nếu tuân thủ các yêu cầu, nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
Ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định: “Đầu tiên, chúng ta phải khuyến khích nhận diện, đóng góp thuế ở mức hợp lí để nguồn thu thuế này dài hạn. Song song quá trình này, chúng ta phải thực hiện biện pháp ngăn chặn, thậm chí ngăn chặn mạnh việc hoạt động bất hợp pháp”.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế dân số đông, trẻ, hiểu biết về công nghệ và quan tâm đến tài sản số. Do vậy, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý về tài sản mã hoá sẽ là cơ sở để xây dựng môi trường giao dịch lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tham gia và thúc đẩy sự phát triển thị trường công nghệ số, tài sản mã hóa, tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng trong dài hạn.
Phải nhìn nhận thực tế, tiền kỹ thuật số đang thay đổi cách thức chúng ta giao dịch hang ngày, có cả những cơ hội mới cho kinh doanh, phát triển những mô hình doanh nghiệp xoay quanh nó. Nhưng vì lợi nhuận, vì những giấc mơ làm giàu bằng tiền kỹ thuật số, nhiều người đã mất hàng chục tỷ đồng tiền thật.
Chưa kể là các thách thức về bảo mật, lừa đảo, các vấn đề về pháp lý, các hành vi rửa tiền, rủi ro cho an ninh tiền tệ. Mới đây, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trình ngay trong tháng 3 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.
Nguồn: VTV