Các khu công nghiệp tại Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, logistics và công nghệ cao.
Đầu năm 2025, cả nước đã phê duyệt 14 dự án khu công nghiệp (KCN) mới tại Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng diện tích các dự án vượt 4.000 ha, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này không chỉ mở rộng quỹ đất công nghiệp mà còn khẳng định sức hút ngày càng lớn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gia tăng đầu tư vào sản xuất, logistics và công nghệ cao. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp, các KCN thế hệ mới đang dần chuyển mình theo hướng tích hợp đa tầng: từ hạ tầng thông minh (5G, IoT), hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ, trung tâm R&D, cho đến khu nhà ở công nhân.
Một xu hướng nổi bật là mô hình nhà xưởng cao tầng, giúp tiết kiệm tới 40% diện tích đất và cho phép doanh nghiệp thuê linh hoạt theo module. Mô hình này đang được triển khai hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh.
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục sôi động.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 30% các KCN đạt chứng chỉ xanh/LEED, thúc đẩy xu hướng xây dựng công nghiệp bền vững. Các dự án KCN mới sẽ ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, tích hợp năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn. Một điển hình là Khu liên hợp công nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên, với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành trung tâm dữ liệu đang nổi lên như một mảng đầu tư mới đầy tiềm năng. Saigon Asset Management (SAM) vừa công bố dự án trung tâm dữ liệu 150 MW tại Bình Dương với tổng vốn 1,5 tỷ USD, triển khai trên diện tích 50 ha trong hợp tác với VSIP. Giai đoạn đầu sẽ đi vào vận hành sau hai năm.
Với vị trí chiến lược, chi phí vận hành cạnh tranh và chính sách thu hút FDI, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng điện, mạng kết nối và cơ chế ưu đãi.
Tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Bên cạnh Khu Công nghệ cao hiện hữu, một Khu Công viên Khoa học Công nghệ mới đang được xây dựng tại phường Long Phước, TP Thủ Đức, trên diện tích gần 200 ha. Trong năm 2025, sẽ có 12 dự án được khởi công, bao gồm 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.

TP Hồ Chí Minh hiện cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ của thành phố.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển ngành bán dẫn, không chỉ thu hút các tập đoàn quốc tế mà còn xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chuyên sâu. Thành phố chuẩn bị khánh thành nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên – đồng thời là trung tâm nghiên cứu thực tiễn. Nếu có sự hỗ trợ phù hợp, nhà máy thứ hai sẽ được triển khai trong năm 2026, hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực.
Ở phía Bắc, TP Hà Nội hiện có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.000 ha. Thành phố vừa phê duyệt quy hoạch ba KCN mới gồm Bắc Thường Tín (137 ha), Phụng Hiệp (175 ha) và KCN sạch Sóc Sơn (324 ha), theo định hướng công nghiệp bền vững. Ngoài ra, Hà Nội cũng thành lập ba cụm công nghiệp làng nghề tại Thạch Thất và Thường Tín, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao và xử lý môi trường hiện đại.
Giá thuê đất tại các KCN ở Hà Nội hiện đạt trung bình 223 USD/m²/kỳ hạn. Tỷ lệ lấp đầy đã tăng lên 93%, nhờ KCN Hanssip giai đoạn 1 đã được lấp đầy hoàn toàn – cho thấy hiệu quả trong khai thác và quản lý quỹ đất công nghiệp.
Nguồn: VTV