Việt Nam vừa ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, chính thức mở đường xuất khẩu chính ngạch cho chanh dây – một trong những loại trái cây đặc trưng của Tây Nguyên.
Tại Gia Lai, nơi có diện tích trồng chanh dây lớn nhất cả nước, đây là cơ hội để nâng cao giá trị và ổn định đầu ra lâu dài. Tuy nhiên, để giữ được thị trường này lâu dài, người dân và doanh nghiệp cần thay đổi cách làm – sản xuất phải đúng quy chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Trên cánh đồng ở làng Thong Ngó, TP. Pleiku, người dân bắt đầu thu hái chanh dây từ rất sớm. Tất cả các công đoạn từ chọn trái đến lót thùng – đều phải thực hiện theo đúng yêu cầu phía Trung Quốc.
Hiện Gia Lai có hơn 6.000 ha chanh dây, 3 nhà máy chế biến công suất trên 1.000 tấn/ngày, cùng hàng chục cơ sở, hợp tác xã vừa và nhỏ.
Toàn tỉnh đã có 227 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. Tuy đứng trước cơ hội “vàng” để xuất khẩu chính ngạch loại trái tươi này, song thực tế vẫn còn nhiều điều phải làm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cần chuẩn hóa xuất khẩu để đi đường dài
Câu chuyện xuất khẩu chanh dây ở Gia Lai chỉ là một ví dụ cho thấy để đưa nông sản sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, không còn chỗ cho cách làm manh mún, tự phát.
Từ chanh dây, tổ yến đến ớt tươi – việc ký các nghị định thư kiểm dịch đang mở ra cơ hội lớn. Nhưng để giữ được thị trường lâu dài, nông sản Việt buộc phải làm đúng chuẩn và sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Tất cả đều yêu cầu chặt chẽ về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn, kiểm soát dư lượng hóa chất và quản lý dịch hại.
Không chỉ yêu cầu cao, các thị trường còn luôn trong trạng thái thay đổi tiêu chuẩn liên tục. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.000 dự thảo quy định mới về thay đổi yêu cầu an toàn thực phẩm và kiểm dịch, trong đó 80% ảnh hưởng trực tiếp tới nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu chính ngạch không phải là đích đến, mà là vạch xuất phát mới. Muốn đi đường dài, nông sản Việt phải chuyển mình mạnh mẽ từ sản xuất nhỏ lẻ sang quản trị chuỗi, từ làm theo kinh nghiệm sang làm theo tiêu chuẩn.
Hiểu thị trường để giữ cơ hội
Trung Quốc hiện là thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Riêng quý I năm nay, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản sang thị trường này đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Việc vừa ký thêm nghị định thư cho 4 mặt hàng là cơ hội lớn.
Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, việc hiểu rõ thị trường, nắm vững yêu cầu và xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc là điều bắt buộc để từ đó, doanh nghiệp và người dân có thể chủ động nâng cấp chuỗi sản xuất.
Theo thống kê từ Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ chanh leo nhập khẩu tăng bình quân 15-20%/năm, trong khi thị trường tổ yến được dự báo sẽ đạt quy mô trên 80.000 tấn vào năm 2030, với xu hướng chuộng sản phẩm đóng gói có nguồn gốc rõ ràng.
Riêng với ớt tươi, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn, nhưng cũng là một trong những thị trường kiểm soát nghiêm ngặt nhất về thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, cám gạo – nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi và chế biến lại yêu cầu khắt khe về vi sinh, kim loại nặng và tạp chất.
Trung Quốc đang dần tiệm cận các tiêu chuẩn của EU, Nhật Bản. Và như các chuyên gia cảnh báo, nếu không đạt chuẩn, không duy trì không nâng cao thì cơ hội hôm nay có thể sẽ trở thành rào cản ngày mai.
Nguồn: VTV