Trang chủ kinh-te Xuất khẩu tăng trưởng báo hiệu triển vọng tươi sáng

Xuất khẩu tăng trưởng báo hiệu triển vọng tươi sáng

bởi Admin
0 Lượt xem

Thặng dư thương mại đạt 1,81 tỷ USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3/2025 đạt 35,66 tỷ USD. Như vậy, kết quả này đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 162,78 tỷ USD, tăng 12%, tương ứng tăng 17,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo thống kê của Cục Hải quan, nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 307 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2025, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,81 tỷ USD.

Đáng chú ý, Cục Hải quan cho biết, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 đạt 17,98 tỷ USD. Lũy kế đến hết 15/3/2025tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 82,29 tỷ USD, tăng 6,3% tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, số liệu thống kê của Cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu tháng 3 đạt 12,79 tỷ USD. Tính đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 58,93 tỷ USD, tăng 8,2%, tương ứng tăng 4,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,6% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng mạnh

Thống kê cho thấy, trong nửa đầu tháng 3, trị giá xuất khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,7% (tương ứng tăng 878 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện giảm 137 triệu USD, tương ứng tăng 6,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 77 triệu USD, tăng 12,4%…

Giá cà phê tăng cao đem lại nguồn thu xuất khẩu lớn

Bên cạnh đó, tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 3, các nhóm hàng đạt mức tăng cao là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,75 tỷ USD, tương ứng tăng 29,2%; cà phê tăng 675 triệu USD, tương ứng tăng 42%; hàng dệt may tăng 603 triệu USD, tương ứng tăng 9,4%…so với cùng kỳ.

Đơn cử, xuất khẩu cà phê đang liên tục bứt phá và có triển vọng thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam đã xuất khẩu 406.637 tấn cà phê, kim ngạch đạt 2,28 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng, nhưng tăng tới 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Đức là thị trường lớn nhất, với 278 triệu USD (tăng 79%); Italy đứng thứ hai với 171 triệu USD (tăng 31%); tiếp theo là Nhật Bản: 127 triệu USD (tăng 56%); Hoa Kỳ: 120 triệu USD (tăng 53%); Tây Ban Nha: 117 triệu USD (tăng 29%)… Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết là nhờ giá tăng tới 73%, từ 3.228 USD/tấn tại quý 1/2024 lên 5.614 USD/tấn trong quý 1/2025. Nếu như giai đoạn 2010-2023, giá cà phê xuất khẩu bình quân của nước ta thường chỉ dao động trên dưới 2.000 USD/tấn, thì từ đầu năm 2024 đến nay liên tục “vượt dốc”, thậm chí có những thời điểm tăng “dựng đứng”.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu lớn. Ngành cà phê đang tập trung nâng cao chất lượng, phát triển các dòng cà phê đặc sản, ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Với những bước đi đó, xuất khẩu mặt hàng chủ lực này hứa hẹn sẽ đạt con số “khủng” trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự đóng góp to lớn của ngành hàng dệt may – là một trong bốn ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính quý 1/2025, ngành dệt may xuất khẩu được 12,5-12,7 tỷ USD. Trong tháng 3, xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt trên 4 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu với khoảng trên 22 tỷ USD. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng của quý II và bắt đầu đàm phán đơn hàng đến hết năm 2025. “Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn đến từ thuế quan của Mỹ và chiến tranh thương mại toàn cầu, song xuất khẩu dệt may vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD trong năm 2025”, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh với phóng viên VTV Times.

Nhập nhiều máy móc để phục vụ cho sản xuất

Một trong những điểm đáng chú ý trong bức tranh xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay là sự tăng trưởng mạnh của máy móc nhập khẩu. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu tính đến hết 15/3 đạt 80,49 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 10,61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,85 tỷ USD, tương ứng tăng 29,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,68 tỷ USD, tương ứng tăng 20% so với cùng kỳ.

Như vậy, hàng hóa nhập khẩu tăng chủ yếu ở nhóm hàng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. “Nhập khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu “đầu vào” tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.

Cũng theo ông Hải, hiện ngành Công thương đang tập trung cao độ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA  như CPTPP, EVFTA, RCEP…; Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA và liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Với những chiến lược này, xuất khẩu Việt Nam có thêm động lực và bàn đạp để đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới./.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan